Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tăng cường thanh, kiểm tra và có chế tài xử lý

Thứ Hai 04/05/2020 | 11:54 GMT+7

VHO- Một số BQL di tích, lãnh đạo địa phương đã chia sẻ với Văn Hóa về những giải pháp nhằm nâng cao tính khả thi của dự thảo Thông tư “Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” đang được Bộ Tài chính tiếp thu, hoàn chỉnh.

 Là di tích thu hút đông du khách, mô hình quản lý tiền công đức tại đền Cửa Ông nhiều năm qua được đánh giá là kiểu mẫu trong cả nước

Bởi chạm đến một vấn đề “nóng”, nhạy cảm, xung quanh dự thảo này còn nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm các biện pháp thanh, kiểm tra cũng như chế tài để đảm bảo các quy định được thực thi hiệu quả.

Hành lang pháp lý cần thiết

Trong khi tại nhiều di tích, lễ hội, mô hình quản lý nguồn tiền công đức vẫn là bài toán khó khiến các BQL, chính quyền địa phương thực sự lúng túng thì tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), mô hình quản lý và sử dụng tiền công đức một cách công khai, minh bạch đã được đánh giá là điển hình từ nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó phòng VHTT TP Cẩm Phả cho hay, 100% nguồn thu từ tiền công đức tại di tích Đền Cửa Ông đều được kiểm đếm, nộp ngân sách, quản lý chặt chẽ. Nội dung chi phần lớn sử dụng phục vụ xây dựng, đầu tư tu bổ di tích và các hạng mục, công trình hạ tầng...

BQL di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên cho biết, nhất trí với các nội dung dự thảo Thông tư. “Từ ngày 1.12.2019, BQL di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên được thành lập mới, trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP Cẩm Phả. Vì vậy, việc quản lý và sử dụng tiền công đức sao cho phù hợp với đặc thù của BQL theo mô hình mới sẽ được điều chỉnh, nhưng tinh thần đảm bảo hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch vẫn là yếu tố hàng đầu”, bà Nguyễn Thị Bích Thương chia sẻ. Cũng theo lãnh đạo Phòng VHTT TP Cẩm Phả, các ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư từ các BQL di tích trên địa bàn cơ bản đều nhất trí và khẳng định sự cần thiết phải ban hành Thông tư. Vấn đề cơ bản mà Thông tư nhấn mạnh là tính công khai, minh bạch trong quản lý các khoản tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đặc biệt là những nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ được đưa ra rất rõ ràng: Tự nguyện, không ép buộc; công khai, minh bạch; không làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa của lễ hội, xâm hại di tích; không được trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm… “Những nội dung được dự thảo đưa ra cho thấy sự nghiên cứu khá kỹ thực tế các mô hình quản lý tiền công đức tại các di tích, địa phương trong cả nước để từ đó đưa ra mẫu số chung. Mục tiêu chi được quy định tại dự thảo cho thấy các BQL có thể linh hoạt trong sử dụng nguồn tiền, tất nhiên phải trong phạm vi cho phép, đúng mục đích và hiệu quả…”, bà Bích Thương nhấn mạnh.

Tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), kể từ khi thành lập vào năm 2007 và có cơ chế phối hợp vào năm 2008 đến nay, tại di tích đã có mô hình hoạt động cùng tham gia quản lý với ba thành phần gồm: BQL di tích, chính quyền địa phương và Hội Người cao tuổi phường Lộc Vượng. “Các hoạt động từ công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng tiền công đức… đều được cả ba thành phần thống nhất, sau đó tham mưu cho lãnh đạo thành phố và tỉnh Nam Định”, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích cho hay.

Với mô hình “ba bên”, việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở di tích này nhiều năm qua không phải là vấn đề lấn cấn. Theo BQL di tích, các khoản tiền công đức, dầu nhang, cúng dường… đều được kiểm đếm, ghi sổ, quản lý chặt chẽ. 100% nộp về kho bạc, việc sử dụng được điều tiết theo kế hoạch ngân sách hằng năm. Các tiêu chí công khai, minh bạch, chặt chẽ đều được thực thi trong nhiều năm ở di tích Đền Trần. Ông Bình chia sẻ, không phải di tích nào cũng “thuận” trong việc quản lý, giám sát thu - chi các nguồn tiền cho di tích, lễ hội như đền Trần. Vì vậy, việc nghiên cứu tổng thể và đưa ra một hành lang pháp lý như dự thảo Thông tư đang được xin ý kiến là rất cần thiết.

 Dự thảo Thông tư nhấn mạnh tính công khai, minh bạch trong quản lý các khoản tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội Ảnh minh họa

Cần chế tài xử lý

Đồng tình với các quy định như thành lập Ban (hoặc tổ) tiếp nhận công đức để đảm bảo công khai; quy định trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản tiền dâng cúng, công đức, tài trợ của các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích; sử dụng nguồn tiền cho mục tiêu bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…, theo bà Nguyễn Thị Bích Thương, các nội dung của Thông tư hoàn toàn phù hợp với mô hình do chính quyền địa phương quản lý. Còn đối với các di tích do cá nhân, nhóm cộng đồng quản lý thì việc áp dụng triển khai cần khéo léo, linh hoạt. Bà Thương lưu ý, thực tế đã xảy ra nhiều chuyện tranh chấp xuất phát từ việc quản lý tiền công đức ở các mô hình như thế này. Do vậy, để đảm bảo mục đích công khai, chặt chẽ là tương đối khó khăn.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích Đền Trần - Chùa Tháp nêu quan điểm, Thông tư sau khi có hiệu lực sẽ thuận lợi khi triển khai ở các di tích không có tranh chấp. Ông ví dụ, xa xưa có những đền, phủ, miếu mạo do cá nhân làm thủ nhang, hoặc một bộ phận người làng, xã đứng ra quản lý, duy trì hoạt động, nhưng khi đó các nơi này khá vắng vẻ. Sau này, những địa chỉ này trở thành đắc địa, đời sống tâm linh tín ngưỡng phát triển và các đền, phủ, miếu mạo đó trở thành di tích thu hút đông đảo nhân dân và quý khách thập phương. Nhà nước đưa vào xếp hạng, quản lý, kiểm kê di tích, nhiều văn bản quản lý được ban hành… Từ đó đã dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện. Thực tế này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

“Những trường hợp này chính là biểu hiện trục lợi từ hoạt động di tích, lễ hội mà Thông tư có đưa ra quy định quản lý. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thấy rằng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm là vấn đề khó điều chỉnh. Cho nên, ở bước đầu triển khai Thông tư, tôi cho rằng chúng ta cần phải vừa làm vừa nắm bắt, điều chỉnh, tìm kiếm các giải pháp dung hòa quan điểm giữa các bên, khó có thể tuyệt đối hóa như mục tiêu chung đề ra”, ông Bình nói.

Cũng nói về tính khả thi, bà Thương cho biết thêm: “Chúng tôi quan tâm đến công tác tổ chức thanh, kiểm tra cũng như các chế tài xử lý. Quy định đưa ra nhưng nếu không giám sát thực hiện thì hành lang pháp lý sẽ có thể bị vô hiệu hóa. Vậy vấn đề đặt ra là nếu không thực thi nghiêm túc thì sẽ xử lý ra sao?”.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình việc cần sớm ban hành Thông tư như một hàng lang pháp lý cần thiết, tuy nhiên việc triển khai phải linh hoạt. Trưởng BQL di tích Đền Trần lưu ý, tiền công đức hay những đóng góp của các cá nhân, tập thể vào các di tích, hoạt động lễ hội xuất phát từ những mong muốn mang tính tâm linh, khó cụ thể. Vì thế, ông Bình cho rằng: “Không phải thước đất, căn nhà, có thể cân thành lạng đo thành mét vuông…, cho nên một văn bản pháp lý quản lý lĩnh vực liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng cần phải thực thi linh hoạt, mềm dẻo. Phải thông qua việc nắm bắt được mấu chốt đặc thù ở các mô hình quản lý, di tích thuộc sở hữu của ai… thì mới có thể dần đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh. 

 Là địa bàn có nhiều di tích và lễ hội lớn, UBND TP Cẩm Phả vừa có văn bản gửi Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh tham gia góp ý Dự thảo Thông tư. Địa phương này nhấn mạnh việc thực hiện kiểm kê phải được tiến hành định kỳ hằng ngày, tuần, tháng, năm, tùy theo lượng tiền dâng cúng, công đức, tài trợ phát sinh. “Nên xem xét bổ sung thêm các điều, khoản về tổ chức thực hiện; trong đó nêu rõ công tác thanh tra kiểm tra, chế tài xử lý đối với những khoản chi, thu không đúng quy định…”, góp ý của UBND TP Cẩm Phả cho biết.

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top