Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Du lịch dịp lễ 30.4-1.5: Không còn cảnh “vỡ trận”

Thứ Hai 04/05/2020 | 12:15 GMT+7

VHO- Sau một thời gian dài tạm đóng cửa để phòng chống dịch, dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, nhiều tỉnh/thành phố đã cho phép các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, danh lam thắng cảnh, khu di tích, bảo tàng, thư viện, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa… mở cửa đón khách trở lại.

 Khách du lịch thăm Đại nội Huế

Thế nhưng, khác hẳn mọi năm, kỳ nghỉ lễ năm nay khách du lịch không đông, ở các trung tâm du lịch nổi tiếng không còn tình trạng “vỡ trận” do người dân lo sợ dịch bệnh Covid-19.

Thị trường khách lẻ chiếm ưu thế

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp lữ hành dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay tiếp tục đóng cửa chờ hết dịch thì xu hướng các công ty du lịch, đại lý du lịch chuyển sang bán phòng khách sạn và combo du lịch (vé máy bay và phòng khách sạn) hoặc khách tự liên hệ với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn để đặt phòng. Ông Trần Quang Anh Linh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại và du lịch Quang Anh (Thái Bình, văn phòng giao dịch 1 Đinh Lễ, Hà Nội) cho biết: “Thay vì chạy bán tour trọn gói của các công ty du lịch như mọi năm, năm nay chúng tôi chuyển sang làm đại lý, bán combo du lịch, phòng khách sạn. Thực tế thị trường du lịch năm nay cho thấy phòng ở Quy Nhơn, Phú Quốc, Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, hệ thống của Vinpearl, FLC… bán chạy và được nhiều khách lẻ lựa chọn”.

Trong số các địa phương, Đà Lạt (Lâm Đồng) thông báo đón khách sớm nhất và đây cũng là một trong số ít các trung tâm du lịch bị quá tải, tắc đường vì khách dồn về đông. Ngoài ra một số điểm đến như: Vũng Tàu (gần TP.HCM), Sầm Sơn (gần Hà Nội) là đông khách, còn các điểm đến khác so với mọi năm đều vắng hơn rất nhiều. Thay vì tối mặt phục vụ khách trong dịp lễ, năm nay, lần đầu tiên hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, hàng chục nghìn hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn ở nhà hoặc trở thành khách du lịch.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ 30.4 đến 2.5, có khoảng 12.500 khách du lịch đến Huế, trong đó khách lưu trú là 3.600 lượt. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, lượng khách đến Huế chủ yếu đến từ TP Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh khu vực Bắc miền Trung. Phần lớn đi theo dạng tự túc nhóm gia đình, tự lái xe đến Huế du lịch. Đây là xu hướng đã được dự đoán trước, bởi tâm lý vẫn còn e ngại bởi tình hình dịch bệnh Covid-19. Khách du lịch cũng ít lưu trú tại khu vực trung tâm TP Huế, mà có xu hướng lưu trú ở không gian rộng, cảnh quan thiên nhiên. Khách nội tỉnh, ngoài xu hướng quay lại tham quan ở các điểm di sản Huế, thì cũng đến trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái. Các điểm tham quan thuộc hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế cũng đón khách tham quan miễn phí, ước đạt 4.500 lượt/ngày.

 Bến thuyền trên sông Hoài (Hội An) vắng vẻ

Thị trường ấm lên nhưng vẫn chưa đáng kể

Để làm nóng thị trường du lịch, từng bước khôi phục thị trường nội địa sau khi dịch được khống chế, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch (HHDL) Sa Pa và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan tổ chức một chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn tại phía Bắc. Các khách sạn, homestay, xe du lịch giảm giá dịch vụ từ 30- 50%, khu du lịch Sun World Fansipan Legend giảm giá vé cáp treo tới 60%. Đã có gần 70 doanh nghiệp du lịch địa phương đăng ký tham gia, trong đó chủ yếu là các khách sạn, homestay, hãng xe, một số nhà hàng và khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Mức giá giảm trên sẽ được các khách sạn, hãng xe áp dụng trong suốt hai tháng 5 và 6.

Ông Tô Bá Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết: “Mặc dù tình hình có khá hơn so với 1-2 tháng trước, nhất là thời kỳ giãn cách xã hội để chống dịch nhưng nhìn chung vẫn khá vắng vẻ. Lượng khách cả đợt nghỉ lễ cộng cả ngày cuối tuần cao lắm chỉ được 7.000- 8.000 lượt người, bằng ngày cuối tuần khi chưa có dịch. Nhiều khách sạn vẫn chưa mở lại vì mở cũng ít khách, nhân viên không có, dịch vụ không đảm bảo hoặc thu không bù chi. Các điểm tham quan, du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch ở đây dù mở lại hay chưa mở lại cũng đều rất chú trọng an toàn cho du khách và điểm đến, tuân thủ nghiêm việc phòng chống dịch. Chúng tôi hi vọng nếu chương trình kích cầu hiệu quả sẽ chạy tiếp để dần dần khôi phục lại thị trường”.

Ở Quảng Ninh, sau khi UBND tỉnh cho phép hoạt động tham quan trên vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh, Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Móng Cái mở cửa trở lại từ 12h ngày 1.5; các bãi tắm được phép hoạt động khi duy trì mật độ giãn cách và các biện pháp phòng dịch theo quy định… đã thu hút hàng nghìn khách du lịch, tất nhiên vẫn ít hơn rất nhiều so với mọi năm.

 Cảng tàu quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) tuân thủ quy định phòng, chống dịch

Tại Quảng Nam, các điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn vốn thu hút đông đảo du khách mỗi dịp lễ, tết lâu nay vẫn vắng vẻ, lưa thưa khách. Mở cửa đón khách trở lại sau thời gian tạm đóng để chống dịch Covid-19, phố cổ Hội An miễn phí dịp lễ năm nay nhưng vẫn chỉ lác đác khách du lịch, khác xa cảnh tượng chen chúc, “vỡ trận” như mọi năm. Du khách đến tham quan phố cổ những ngày qua hầu hết đều là khách Việt, ở những địa phương lân cận như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi… và đi về trong ngày. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, dù đã hết thời hạn giãn cách xã hội nhưng kế hoạch đón khách du lịch trở lại vẫn chưa được thành phố tính đến do dịch bệnh các nơi còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, thành phố tập trung vào hai nhiệm vụ chính là phòng chống dịch và đảm bảo cuộc sống người dân, nhất là nhanh chóng triển khai gói an sinh hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.

Tình hình du lịch ở Đà Nẵng vẫn chưa mấy sáng sủa khi tổng lượng khách tham quan, du lịch dịp lễ chỉ đạt 5.800 lượt, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 650 lượt (giảm 99,5%) khách nội địa ước đạt 5.150 lượt (giảm 98%). Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 150/968 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động, 50 cơ sở lưu trú du lịch mới mở cửa hoạt động trở lại sau khi Chính phủ và UBND thành phố thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép hoạt động đón khách trở lại từ ngày 23.4. Các đơn vị lữ hành phần lớn vẫn chưa hoạt động dịch vụ trở lại, chỉ có một số hoạt động đặt dịch vụ trực tuyến như vé máy bay, phòng khách sạn, tuy nhiên số lượng không đáng kể. Các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng chưa hoạt động trở lại do tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

 T.HÀ - K.CHI - N.HÀ - THUỲ TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top