Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quảng Trị: Làm đường tránh Quốc lộ 1A, “nuốt chửng” di tích quốc gia

Thứ Sáu 08/05/2020 | 11:59 GMT+7

VHO- Tuyến đường tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã gần như “nuốt chửng” di tích Địa điểm Bãi Trận thuộc di tích quốc gia “Các điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong”.

 

 Khu vực di tích Bãi Trận đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ

Điều nực cười là, khi làm xong đoạn đường tránh trên, chính quyền, chủ đầu tư, đơn vị thi công mới “ngã ngửa” phát hiện, công trình đã chồng đè lên di tích Bãi Trận. Đến giờ này cũng chẳng thấy ai hề hấn gì trong khi đây là vụ xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến di sản quốc gia.

Do “nhầm lẫn, sai sót” và còn gì nữa?

Mặt đường láng bóng, xe chạy êm ru, khánh thành thông xe đầy phấn khởi nên khó có thể ai biết được ở dưới đó là di tích cho đến khi dư luận báo chí lên tiếng, các bên liên quan mới tá hỏa. Ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng giao thông (Sở GTVT tỉnh Quảng Trị), chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A cho biết, khá bất ngờ trước thông tin con đường tránh đoạn đi qua thị xã Quảng Trị đã chồng lên phần lớn đất di tích Bãi Trận.

Theo ông Phú, Phòng TN&MT huyện Triệu Phong là đơn vị thẩm định nguồn gốc các loại đất trước khi trình UBND huyện này ra quyết định thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Căn cứ vào cơ sở đó, đơn vị bồi thường rồi mới khởi công công trình, chứ đâu có biết đây là đất di tích quốc gia. Tại thời điểm này, đại diện Phòng VH-TT huyện Triệu Phong còn cho rằng, di tích Bãi Trận là địa danh của một khu vực rộng lớn chứ không chỉ là diện tích được xác lập trong biên bản khoanh vùng bảo vệ sau này. Phần đất di tích địa điểm Bãi Trận tuy được khoanh vùng bảo vệ nhưng chưa được cắm mốc, cấp sổ đỏ và do UBND xã Triệu Giang quản lý; mặc dù đã được công nhận là di tích nhưng hồ sơ pháp lý còn hạn chế. Trong khi đó UBND huyện Triệu Phong cho biết nguyên nhân dẫn đến sự xâm phạm đất di tích “Địa điểm Bãi Trận” cũng rất… vô tư: Đó là trong cùng một thời gian, từ đầu năm 2018 các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành thực hiện hai nội dung: Lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ khu di tích “Các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn” xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Quảng Trị. Trong quá trình thực hiện đó, một số cơ quan, đơn vị và địa phương “có sự nhầm lẫn, sai sót dẫn đến việc cấp đất cho dự án xây dựng đường tránh chồng lên diện tích đất đã được khoanh vùng, bảo vệ điểm di tích Bãi Trận”.

Có thể ai đó bằng lòng chia sẻ với nguyên nhân này nhưng theo một chuyên gia về di sản thì đấy là cách trả lời mang tính “lấp liếm” vì hơn ai hết cấp chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là xã, huyện đều nắm rất rõ khu vực bảo vệ di tích đến đâu bởi chính họ là người ký vào biên bản khoanh vùng.

 Tuyến đường tránh Quốc lộ 1 xâm lấn gần trọn di tích Bãi Trận

Chỉ còn miếng đất 63m2...

Về vụ việc cụ thể này, theo báo cáo mới nhất của Sở VHTTDL Quảng Trị gửi UBND tỉnh, Bộ VHTTDL cho biết, dựa vào hồ sơ khoa học thì di tích địa điểm Bãi Trận là khu vực luyện tập quân sự của quân đội Chúa Nguyễn được xây dựng trên địa phận thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) với diện tích hàng nghìn mét vuông. Điểm di tích Bãi Trận được khoanh vùng bảo vệ là một điểm trong khu vực luyện tập mà Chúa Nguyễn đã cho xây dựng trước đây. Theo Biên bản và Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích (lập ngày 19.4.2018) và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ địa điểm Bãi Trận là 500m2, trải dọc theo hướng Tây Nam - Đông Bắc (tính từ mép đường Quốc lộ 1). Trong đó khu vực 1 là 200m2, khu vực 2 là 300m2, nằm cạnh phía đông Quốc lộ 1.

Việc khoanh vùng đất đai điểm di tích Bãi Trận tại vị trí trên nhằm tạo ra địa điểm lưu dấu nội dung lịch sử về những công trình quân sự thời Chúa Nguyễn quanh khu vực Nhà Chúa đóng dinh phủ và định hướng cho việc xây dựng công trình lưu niệm để phát huy di tích về sau. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án mở con đường cánh phía Đông thành phố Đông Hà, đấu nối với Quốc lộ 1 đi qua địa bàn xã Triệu Giang đã chồng lấn lên phần lớn diện tích đã được khoanh vùng bảo vệ của di tích “Địa điểm Bãi Trận”. Cụ thể là, nếu tính theo hồ sơ đất đã thu hồi để xây dựng tuyến đường tránh thì đất di tích còn lại 63m2 (khu vực 1 là 02m2, khu vực 2 là 61m2)…

Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế, đề xuất của huyện Triệu Phong, Sở VHTTDL kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý. Theo đó, hướng khắc phục và bảo vệ di tích cần đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di tích. Căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất trong khu vực liền kề của Điểm di tích Bãi Trận, đề nghị UBND tỉnh, Bộ VHTTDL đồng ý chủ trương cho phép lập hồ sơ điều chỉnh diện tích đất khoanh vùng bảo vệ Điểm di tích Bãi Trận trên cơ sở diện tích còn lại nối dài về phía Đông theo đường tránh để đảm bảo diện tích đất như đã khoanh vùng trước đây của hồ sơ di tích. Việc điều chỉnh này vẫn giữ nguyên diện tích đất đã thống nhất khoanh vùng bảo vệ, nằm trong tổng thể của khu vực luyện tập mà Chúa Nguyễn đã cho xây dựng trước đây. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ VHTTDL đề nghị UBND huyện Triệu Phong chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh diện tích đất khoanh vùng bảo vệ di tích theo đúng quy định trình UBND tỉnh và Bộ VHTTDL xem xét quyết định.

Báo cáo của Sở VHTTDL cũng cho biết, đề nghị UBND huyện Triệu Phong tăng cường công tác kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ khoa học và pháp lý cho toàn bộ di tích… Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị trong việc thu hồi, cấp đất xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A xâm phạm đến điểm di tích Bãi Trận.

Vụ việc đã rõ, và đã rồi. Cơ quan chức năng cũng chỉ đề nghị làm rõ trách nhiệm, còn xử lý như thế nào thì trời mới biết được. Còn địa điểm di tích Bãi Trận chắc sẽ không còn “cơ hội” để khai quật trở lại. Chỉ biết nói rằng, xâm phạm di sản đến thế là cùng. 

 KIÊN ĐỒNG - Đ.HUYỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top