Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Với điện ảnh, “covy” không chỉ để lại hệ lụy?

Thứ Hai 25/05/2020 | 10:09 GMT+7

VHO- Dưới góc nhìn của một người sáng tác, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ để lại hệ lụy mà còn là quãng thời gian tạm lắng vô cùng giá trị để các nhà sản xuất và nghệ sĩ nhìn lại chính mình, tự chiêm nghiệm, xác định mục đích sáng tạo và lựa chọn con đường thích hợp nhất.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường điện ảnh VN

Cũng theo bà Nhã, với hiện thực đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến, nếu Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được hình thành và hoạt động thì sẽ tạo nên một cú hích mạnh mẽ để phát triển một nền điện ảnh chân chính, làm cân bằng lại mặt bằng chung của các dòng phim.

Cú “trọng thương” với điện ảnh

P.V: Dưới góc nhìn của một người sáng tác, bà có thể đưa ra nhận định về những ảnh hưởng mà Covid-19 đã gây ra cho lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất tư nhân?

- Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Dịch Covid-19 đã khiến cho mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều gặp khủng hoảng. Điện ảnh thậm chí còn khủng hoảng nhiều hơn bởi dù lệnh giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ, thì khán giả cũng còn e ngại khá lâu nữa mới có thể yên tâm tới rạp. Với các nhà sản xuất phim tư nhân, dịch Covid-19 thực sự là một đòn giáng mạnh vào tình trạng tài chính vốn không bền vững của họ, nhất là với những nhà làm phim hạng vừa hoặc hạng trung, bởi, phim một ngày chậm ra rạp là một ngày thách thức đối với nguồn vốn đã đổ ra. Còn những dự án chưa bấm máy thì vỡ đoàn là tất yếu. Thậm chí, đối với các hãng chưa kịp vận hành ở thời điểm này, việc phải trả lương cho bộ máy để giữ người cũng là một “thảm họa”. Nói chung, tôi cho rằng dịch Covid-19 là cú đánh chí mạng vào nền điện ảnh nước nhà.

 Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam trong những ngày đại dịch hoành hành đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo bà, thời điểm hiện nay cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ như thế nào để điện ảnh Việt Nam có thể sớm hồi phục sau đại dịch?

- Ở cương vị một người sáng tác, câu hỏi này có lẽ “vượt tầm” đối với tôi. Tuy nhiên, ở góc nhìn của một người quan sát không được toàn diện cho lắm, tôi cho rằng Chính phủ cần có động thái hỗ trợ thích đáng đối với một ngành sản xuất và kinh doanh đặc thù như điện ảnh. Về nguồn vốn, nên có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các dự án khả thi đang vận hành dở dang. Với những nhà sản xuất đang chuẩn bị dự án thì cần có sự khuyến khích theo cách cho vay không lãi suất hoặc miễn/giảm thuế hợp lý. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất là việc rà soát, chấn chỉnh, cơ cấu lại các rạp chiếu, trong đó các cơ sở thuộc về nhà nước phải được phục hồi, nâng cấp, nhằm giúp việc đưa phim ra rạp thuận lợi hơn. Đối với các phim được làm từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước thì việc bổ sung kinh phí cho công tác truyền thông quảng bá là vô cùng cần thiết trong thời điểm này.

Covid-19 không chỉ mang lại hệ lụy

Theo bà, nếu Quỹ Hỗ trợ điện ảnh ra đời thì sẽ có những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà làm phim Việt sau các tác động của dịch hay không?

- Quỹ Hỗ trợ điện ảnh là niềm mơ ước từ lâu của giới làm nghề, ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Từ các nhà sản xuất phim đến nghệ sĩ tâm huyết, ai cũng mong muốn Quỹ được hình thành và có hoạt động thiết thực. Quỹ có thể là không cần thiết với các “ông lớn” vốn độc quyền nắm giữ các rạp chiếu, nhưng với những người làm phim tâm huyết thì Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ là điểm tựa để họ vững tin cho ra đời những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Và đặc biệt hơn, nếu được vận hành tốt, Quỹ có thể định hướng cho một nền điện ảnh Hay và Đẹp bằng cơ chế tài trợ thông qua sự thẩm định của một Hội đồng do Quỹ lựa chọn và giao phó.

Với hiện thực đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, tôi cho rằng nếu Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được hình thành và hoạt động thì sẽ tạo nên một cú hích mạnh mẽ để phát triển một nền điện ảnh chân chính, làm cân bằng lại mặt bằng chung của các dòng phim. Có thể nói, đại dịch Covid-19 không chỉ mang lại hệ lụy đối với điện ảnh, mà còn là quãng thời gian tạm lắng vô cùng giá trị để các nhà sản xuất và nghệ sĩ nhìn lại chính mình, tự chiêm nghiệm, xác định mục đích sáng tạo của bản thân và lựa chọn con đường thích hợp nhất. Trạng thái tâm lý này có thể dẫn đến sự phân hóa mạnh mẽ của các dòng phim. Và Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ khiến cho sự phân hóa này trở nên rõ nét hơn.

Theo nhiều người thì Quỹ Hỗ trợ điện ảnh sẽ là giải pháp khả thi, vừa giúp tháo gỡ khó khăn, vừa tạo triển vọng cho sự phát triển chuyên nghiệp hơn của điện ảnh nước nhà. Vậy theo bà, điện ảnh Việt Nam cần thêm những yếu tố gì để Quỹ Hỗ trợ điện ảnh có thể sớm khởi động?

- Theo tôi, để Quỹ này có thể sớm khởi động, rất cần có những động thái mạnh mẽ. Với hạt nhân ban đầu được gây dựng từ nguồn Ngân sách nhà nước, tôi tin nhiều “đại gia” người Việt, bao gồm cả các kiều bào ở nước ngoài, cũng sẽ đóng góp không nhỏ cho Quỹ, bởi họ đã từng góp vốn cho các dự án nghệ thuật lớn và có tầm. Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế khuyến khích nên mọi nhiệt tình đều mau chóng nguội tắt. Khi đã có Quỹ, chắc chắn những bộ phim đề tài lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc, chiến tranh cách mạng… cũng sẽ tìm thấy sự hỗ trợ thích đáng từ Quỹ. Và khi Quỹ có cơ chế hỗ trợ minh bạch, đúng đắn thì nguồn tài chính đổ vào cũng sẽ tăng lên. Đó là điều tôi tin chắc, và luôn mong mỏi. 

 BẢO ANH (thực hiện)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top