Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam: Truyền cảm hứng cho giới trẻ

Thứ Tư 27/05/2020 | 11:49 GMT+7

VHO- Sau thời gian dài giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam” (viết tắt VCLI) được tái khởi động và bước vào giai đoạn tập huấn chuyên sâu về tư duy thiết kế, xây dựng, quản lý dự án. Sáng kiến này do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Saigon Innovation Hub (SIHUB) và UNICEF tổ chức cho 46 thủ lĩnh trẻ từ 16-26 tuổi.

Các bạn trẻ trong những buổi thảo luận ở giai đoạn đầu của chương trình

 Theo đó, trong 4 ngày, từ 28-31.5.2020, các bạn trẻ sẽ được tập huấn phát triển 10 dự án hướng đến giải quyết các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) sau khi đã tiến hành khảo sát tại thực địa, quan sát hiện trạng và tiếp xúc trực tiếp với địa phương đang bị ảnh hưởng bởi BĐKH ở khu vực ĐBSCL.

“Những năm gần đây, hiện tượng BĐKH đang rõ nét hơn tại Việt Nam, với sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại các thành phố lớn, mực nước biển dâng cao tại các tỉnh ven biển và ĐBSCL…, các bạn trẻ luôn là những người rất quan tâm đến vấn đề này. Thế hệ tương lai khi được truyền cảm hứng, hỗ trợ đầy đủ thông tin, kiến thức và kỹ năng như ở chương trình VCLI, tôi tin các bạn sẽ đủ động lực để hành động cho một dự án cộng đồng ứng phó với BĐKH”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE hào hứng chia sẻ.

Thông tin từ ban tổ chức cho biết, tại chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam” này, 46 thủ lĩnh trẻ sẽ được tập huấn chuyên sâu các kỹ năng cần thiết để xây dựng một dự án môi trường hiệu quả, bao gồm: Kỹ năng tư duy thiết kế; kỹ năng làm việc với cộng đồng, chính quyền, nhà tài trợ; kỹ năng xây dựng chiến dịch truyền thông. Mỗi nhóm sẽ có một người hướng dẫn riêng là những người đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn. Họ sẽ hỗ trợ, tư vấn, đưa ra những lời khuyên cho các nhóm để hoàn thiện dự án, đảm bảo hoạt động khả thi, tối ưu chi phí và tối đa hóa tác động đem lại cho cộng đồng. Mỗi nhóm sẽ trình bày bản dự án chi tiết của mình vào ngày cuối của khóa tập huấn. Ban tổ chức sẽ chọn ra 6 đội xuất sắc nhất đi tiếp vào giai đoạn “Ươm tạo” (Incubation) và nhận được hỗ trợ 1.000 USD từ chương trình để triển khai dự án.

 Hình ảnh rác thải trên các dòng sông do nhóm Green River ghi nhận trong quá trình thực địa

Sau khi khảo sát thực địa tại khu vực chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ, nhóm Green River (gồm các bạn trẻ Hoàng Sơn, Trần Long Hải, Trần Thanh Tâm, Bùi Ngọc Bảo và Bùi Mỹ Nhật) chia sẻ, sông Cần Thơ, lưu vực sông Mê Kông đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề “rác thải”, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống tại chợ nổi Cái Răng... “Chúng mình sẽ thực hiện sứ mệnh trả dòng sông Cái Răng trở về nguyên trạng với dự án “CaiRang Green River”. Sau đấy sẽ là các dự án “Green River” khác như “HaTien Green River”, “DongThap Green River”,… và nhất là “CuuLong Green River” để trả lưu vực ĐBSCL về nguyên hiện trạng”, nhóm bạn trẻ mong muốn.

Chị Phương Uyên, hiện đang công tác tại Công ty TNHH Xã hội Ươm mầm sáng tạo, một trong những người hướng dẫn chương trình VCLI cho biết, “Tôi nghĩ đây là cơ hội cho các bạn học hỏi, trải nghiệm, không chỉ việc xây dựng và phát triển ý tưởng, mà còn về cách thức để biến giải pháp của mình thành hiện thực. Các bạn tham gia có thể gặp được những người có mối quan tâm cũng như những giá trị tương đồng, và trong tương lai, có thể cùng nhau hợp tác để tạo nên nhiều tác động cộng hưởng và tích cực hơn nữa cho môi trường”.

Theo nhận định của UNICEF, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH. Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước đã gây tử vong về người và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị cũng như nông thôn. Từ đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL phải chịu một đợt hạn hán kỷ lục trong 100 năm qua. Trong đó, Bến Tre có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa cảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Long An, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô là khoảng 13.500 ha. Kéo theo đó, điều kiện chất lượng cuộc sống và thu nhập kinh tế của các hộ dân địa phương cũng bị giảm sút nghiêm trọng... 

KIỀU GIANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top