Khởi động nhiều mô hình​​​​​​​ “Vì một Hội An không rác thải nhựa”

VHO- Với phương châm “Phân loại rác tại nguồn, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, thời gian qua nhiều dự án đã được triển khai, nhân rộng tại cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu “Vì một Hội An không rác thải nhựa”.

Khởi động nhiều mô hình​​​​​​​ “Vì một Hội An không rác thải nhựa” - Anh 1

 Một hoạt động phát túi sinh thái, bảo vệ môi trường cho du khách tham quan Cù Lao Chàm

Mỗi ngày trên địa bàn TP Hội An có khoảng 100 tấn rác thải ra môi trường, dù đã nỗ lực xử lý nhưng rác thải nhựa vẫn là thách thức lớn. Việc thu gom rác thải trong dân hiện chỉ đạt khoảng 75% số hộ, công suất xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, bãi chứa rác Cẩm Hà quá tải, nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động vì thế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như túi ni lông, ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần… đã trở thành vấn nạn.

“Xây dựng và chia sẻ mô hình không rác thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn”

Dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không rác thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn” vừa khởi động là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường của TP. Hội An mà Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã kêu gọi và Tổ chức GAIA Philippines, Chương trình tái chế chất thải đô thị (MWRP) - USAID (Mỹ) tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet).

Hai địa phương thực hiện thí điểm để từ đó nhân rộng mô hình là xã đảo Tân Hiệp, nơi có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh, nơi có rừng dừa nước Bảy Mẫu, cùng với sự phối hợp hỗ trợ của Phòng TN&MT TP Hội An. Đây cũng là hai điểm đến du lịch khá nổi tiếng và thu hút du khách của Hội An thời gian qua. Mục đích dự án hướng đến là truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, xã Tân Hiệp, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến không rác thải, xây dựng thành công mô hình không rác thải tại 2 địa phương này và xây dựng thí điểm các cơ sở thực hành quản lý rác thải (MRF).

Tại hội thảo khởi động dự án vừa được tổ chức tại TP Hội An, các bên tham gia đã đưa ra mục tiêu qua 18 tháng triển khai thực hiện sẽ có 75- 80% hộ dân ở 2 địa phương trên thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, nâng cao tỉ lệ thu gom các loại rác tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, xử lý rác thải hữu cơ thành phân compost. Những tham luận hữu ích cũng được đề cập, bàn thảo để các bên liên quan cùng quan tâm chia sẻ như: “Vai trò nông nghiệp hữu cơ trong xử lý rác thải nhà bếp ở xã Cẩm Thanh”, “Cộng đồng Cù Lao Chàm với nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần”, tham gia thiết kế tranh tái chế từ một loại rác thải nhựa nhằm truyền đi thông điệp và chia sẻ mô hình “Không chất thải tại cộng đồng” … Dịp này, các bên liên quan cũng ký kết kế hoạch liên tịch trong việc phối hợp thực hiện các hoạt động của dự án.

Khởi động nhiều mô hình​​​​​​​ “Vì một Hội An không rác thải nhựa” - Anh 2

 Mô hình rùa biển tái chế từ rác thải nhựa đặt ở Cù Lao Chàm

“Cù Lao Chàm - điểm sạch rác thải”

Cũng đầu tháng 6 vừa qua, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kết nối Công ty TNHH Tư vấn Mãi mãi xanh Labs (Evergreen Labs), BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và chính quyền địa phương cùng thảo luận Dự án xử lý rác bền vững trên đảo. Đây là hoạt động nằm trong Dự án rác thải nhựa và cộng đồng ven biển (Marplasticcs) do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Điển (Sida) tài trợ. Tại Cù Lao Chàm, dự án hướng đến mục tiêu làm sạch hoàn toàn rác thải nhựa hiện tại và rác đã từng chôn lấp trước đó. ở Cù Lao Chàm và cả rác đã từng chôn lấp trước đó.

Là địa phương đi đầu và thực hiện thành công “Nói không với túi nilon” và các sản phẩm nhựa dùng một lần, tạo thành thương hiệu của chính Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và là địa phương tiên phong trong phong trào “Hướng đến không rác thải nhựa dùng một lần”. Thời gian qua, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng với địa phương đã có nhiều hoạt động, kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, du khách đối với các chương trình “Nói không với túi nylon”, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại Cù Lao Chàm thông qua nhiều hình thức như trưng bày mô hình rùa biển tái chế từ các loại rác thải thường gặp trên biển như dây thừng, lưới cũ với thông điệp “Hãy đồng hành cùng Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông, ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần ngay từ giây phút này”. Đây là tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi “Nghệ thuật tái chế” của UNESCO phối hợp cùng Quỹ Coca-cola tổ chức năm 2018.

Dự án rác thải nhựa và cộng đồng ven biển (Marplasticcs) do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Điển (Sida) tài trợ lựa chọn và thực hiện trước mắt tại Cù Lao Chàm như một bước đệm để phát triển, nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác ở Hội An và có thể nhiều tỉnh, thành khác. Tại Cù Lao Chàm, trước mắt sẽ thu gom rác khó phân hủy, rác thải nhựa giá trị thấp, rác thải không được tận thu,… để đưa về đất liền để chế biến thành vật dụng như thùng chứa rác công cộng, kệ để đồ, bàn ghế, gạch lát nền nhà… Hiện nhà máy xử lý rác thải nhựa giá trị thấp, có công suất xử lý và tái chế 500kg rác nhựa/giờ đặt tại xã Cẩm Hà (TP Hội An) đang vào giai đoạn hoàn thành và chạy thử nghiệm.

Từ năm 2009, xã đảo Tân Hiệp đã phát động cuộc vận động “Nói không với túi nilon” và đến nay đã trở điểm sáng trên cả nước, tạo được thương hiệu đặc trưng trong mạng lưới các Khu sinh quyển trên thế giới. Từ thành công này, tháng 5.2018, UBND TP Hội An và BQL Khu sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An tiếp tục phát động nhân dân cam kết thực hiện “Nói không với ống hút nhựa”. Tháng 3.2019, tiếp tục triển khai chương trình truyền thông hưởng ứng chiến dịch “Giảm thiểu rác thải nhựa”, tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, nhân dân, học sinh và du khách về tác hại cũng như hậu quả nặng nề của túi ni-lon, ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường, các hệ sinh thái, đời sống sinh vật cả trên cạn lẫn dưới nước. Hướng tới Cù Lao Chàm - “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”, xây dựng Cù Lao Chàm là đảo xanh không rác thải nhựa. 

 THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc