Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thứ Sáu 17/07/2020 | 11:24 GMT+7

VHO-  Mặc dù đã có những chính sách và điều kiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đến nay nhiều đối tượng, doanh nghiệp chưa được hưởng bởi vì điều kiện khá khắt khe.

Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp vay để trả lương giữ chân người lao động (ảnh minh hoạ) Ảnh: MẠNH DŨNG

Đây chính là mối quan tâm và nhiệm vụ của ngành LĐ,TB&XH, trong những tháng cuối năm.

Thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất 10 năm gần đây

Theo Bộ LĐ,TB&XH tại hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực lao động, xã hội, người có công diễn ra ngày 16.7 tại Hà Nội, thị trường lao động 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận...

“Tuy nhiên cho tới thời điểm giữa tháng 7, thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động Việt Nam trong quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhận định. Theo ông Dũng, mặc dù tình hình kinh tế cũng như lao động, việc làm gặp khó khăn nhưng vấn đề giải quyết việc làm cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn. Các hoạt động giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm được duy trì dưới hình thức trực tuyến; trong 2 tháng 5, 6 và nửa đầu tháng 7 đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi đại dịch Covid-19.

Kịch bản nào cho việc hỗ trợ người lao động?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6 Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ) năm 2019.

Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Bộ LĐ,TB&XH cho biết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/ QĐ-TTg về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, các địa phương cần tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động... Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn. Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Quân cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT để đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ cho người lao động là giáo viên cơ sở giáo dục tư thục các cấp khoảng 30.000 – 50.000 người, nhưng chiếm chủ yếu là giáo viên mầm non. Đây là những cơ sở có đóng BHXH cho người lao động nhưng không có nguồn thu.

“Nhóm mở thứ 2 là nhóm cho vay đối với doanh nghiệp để trả lương cho người lao động. Trước đây điều kiện là khó khăn về tài chính, nhưng bây giờ điều kiện chỉ cần là doanh nghiệp có người lao động ngừng việc, thời gian vay vẫn là 3 tháng nhưng thời gian ngừng việc diễn ra từ 1.1 – 31.12.2020 (trước đây là tháng 4-5-6). Kịch bản từ giờ tới cuối năm chia thành 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn: Nhóm 1 là doanh nghiệp khó khăn quá cho người lao động nghỉ việc luôn, thì có BH thất nghiệp chi trả. Nhóm 2 là doanh nghiệp tạm thời chưa có việc, nhưng không muốn sa thải mà muốn giữ chân người lao động vì nếu sau đó có việc sẽ phải tuyển dụng và đào tạo lại thì sẽ được khuyến khích cho vay để trả lương ngừng việc. Nhóm 3 là doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường. Với 3 kịch bản này là tạo ra các lớp an sinh xã hội, nếu người lao động rơi vào lưới nào thì sẽ áp dụng cho theo kịch bản để vẫn đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Tuy nhiên, có thể có nhóm thứ 4 là doanh nghiệp cứ cho người lao động ngừng việc, nhưng không trả lương, không làm thủ tục vay, cũng được hưởng BH thất nghiệp thì đây là hành vi không đúng luật và Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tăng cường vai trò của các tổ chức Công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ. 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top