Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Những trò phản cảm, dung tục phải bị xử lý

Thứ Sáu 24/07/2020 | 10:55 GMT+7

VHO- Câu chuyện trò chơi tập thể phản cảm diễn ra trong một số sự kiện tiệc tùng, liên hoan vốn không mới, song mặc dù dư luận liên tục bức xúc và lên tiếng chỉ trích, nhưng cấp độ dung tục chẳng những không giảm bớt mà ngày càng tăng với những chiêu trò trái khoáy, quái đản...

 Các clip trò chơi tập thể phản cảm tràn lan trên mạng xã hội

 Trong một clip đang lan tràn trên mạng xã hội mới đây, hình ảnh trò chơi tập thể của một công ty với sự tham gia của nhiều thanh niên trong đồng phục áo thun đỏ, mỗi cặp chơi là hai người, một người cầm thanh bánh để phía trước bụng để cho người chơi nữ dùng miệng ngậm vào, ai ăn hết nhanh hơn thì đội đó chiến thắng. Điều đáng phê phán là trò chơi này lại dùng trên nền nhạc bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”. Trong một clip khác, hình ảnh của ba đôi nam nữ trong trò chơi “dập cho bể bóng”, ba người nam ngồi trên ghế, các cô nữ trong trang phục áo dài, tay cầm quả bóng đã được thổi căng, mang đến để vào giữa hai chân của người chơi nam, sau đó ngồi vào lòng bạn nam nhún nhảy để làm sao cho quả bóng vỡ ra, đội nào làm vỡ nhiều bóng trong khoảng thời gian quy định sẽ chiến thắng…

Tương tự, một clip ghi lại trò chơi của hai đôi nam nữ đứng trên sân khấu, quả bóng được đặt giữa hai người, cô gái đứng vịn tay vào ghế, còn phía sau bạn nam liên tục ép bóng... nhịp nhàng, xung quanh là đông đảo những người quay phim, chụp ảnh, phía dưới sân khấu là tiếng reo hò, cổ vũ, có cả những em nhỏ cũng đang nhìn lên sân khấu chứng kiến trò chơi thô tục này. MC hào hứng kêu gọi mọi người vỗ tay trong tiếng nhạc chát chúa. Tất cả cứ hồn nhiên cười cợt, không ai nghĩ đến sự ô nhiễm văn hóa đang diễn ra trước mắt.

Những trò chơi phản cảm này đã nhận được vô số “gạch đá” bày tỏ sự phẫn nộ của cộng đồng mạng. “Chẳng lẽ không còn trò chơi tập thể nào sôi động, kết nối tốt hơn mấy trò thô tục mà nhiều công ty áp dụng trong các cuộc vui chung? Tôi không dám xem hết vì quá xấu hổ”; “Đây là một hành động thiếu ý thức, vô văn hóa, không hiểu nổi ai đã nghĩ ra những trò chơi tập thể quá dung tục như vậy, thế mà cũng có người chơi và khán giả còn cổ vũ nồng nhiệt?”; “Chỉ có những người bệnh hoạn mới có thể bày ra những trò chơi thô bỉ như vậy trước mắt trẻ nhỏ”,... là một trong số những bình luận bức xúc của người xem khi chứng kiến các clip này.

Những clip kể trên như những “giọt nước tràn ly”, khi ngày càng nhiều những trò chơi phản cảm xuất hiện trong sự kiện của các công ty, hội nhóm, sinh hoạt tập thể... Nhiều trò thể hiện sự thiếu tôn trọng rõ rệt đối với phụ nữ và khiến những người tham gia trở nên vô duyên, lố bịch. Vậy mà người chơi dường như vô cùng háo hức và hết sức “hồn nhiên”, khiến người xem không khỏi đặt ra câu hỏi: “Chẳng lẽ họ có thể vui nổi với những thứ văn hóa kém lành mạnh như vậy hay sao?” Trước đó, tại một trường trung học ở Cần Thơ, đoạn phim quay lại buổi sinh hoạt tập thể khiến các bậc phụ huynh và dư luận “sốc đứng tim” khi các em học sinh, trong màu áo trắng học trò, tham gia trò chơi bằng cách ôm nhau, nằm lên người nhau và chuyền qua lại một tấm thẻ bằng... miệng. “Sự cố” này sau đó đã bị dư luận phản đối kịch liệt, Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng, vào cuộc...

Theo một chuyên gia, hiện không có quy định nào buộc các công ty “khai tử” những trò chơi kiểu này, tuy nhiên, các đơn vị cần phải hiểu rằng, uy tín thương hiệu, văn hóa của một công ty gắn liền với hình ảnh mà công ty đó thể hiện ra bên ngoài xã hội. Do vậy, đừng chỉ vì một vài phút ngẫu hứng, ham vui, mà tự hủy hoại hình ảnh của mình bằng những chiêu trò quái gở. Ở góc độ khác, vị chuyên gia chia sẻ, các hành động dung tục nói trên có thể bị liệt vào những hành động quấy rối, làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Đã đến lúc, các trò chơi phản cảm cần phải được dừng lại và loại trừ ngay. Bởi lẽ, các hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh không hề thiếu, hà cớ gì phải lấy sự dị hợm, quái đản ra để mua vui? 

  Hiện không có quy định nào buộc các công ty “khai tử” những trò chơi kiểu này, tuy nhiên, các đơn vị cần phải hiểu rằng, uy tín thương hiệu, văn hóa của một công ty gắn liền với hình ảnh mà công ty đó thể hiện ra bên ngoài xã hội. Do vậy, đừng chỉ vì một vài phút ngẫu hứng, ham vui, mà tự hủy hoại hình ảnh của mình bằng những chiêu trò quái gở.

 KIỀU GIANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top