Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Khen - chê​​​​​​​ với “Ballet Kiều”

Thứ Tư 19/08/2020 | 11:34 GMT+7

VHO- Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM vừa có buổi công diễn Ballet Kiều tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn đã tạo được tiếng vang và sự sôi động trong bối cảnh sân khấu đang ở những nốt trầm khi nhận được nhiều luồng ý kiến phản hồi của khán giả và giới nghề. Khen biên đạo đã thổi được luồng sinh khí hiện đại vào ngôn ngữ văn học kinh điển, khen ê kíp đã công phu dàn dựng với nhiều đột phá mới mẻ, nhưng cũng có cả những tiếc nuối khi mong muốn cần có chiều sâu hơn khi đưa một phần “hồn cốt” dân tộc lên sân khấu ballet hiện đại.

 Đây là lần đầu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện bằng hình thức múa ballet, kịch bản được chuyển thể bởi biên đạo múa Tuyết Minh; biên đạo toàn bộ vở diễn được thực hiện bởi hai nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội và TP.HCM là Tuyết Minh và Nguyễn Phúc Hùng.

Khen...

Ghi nhận chung từ người làm nghệ thuật, Ballet Kiều thực sự là một vở diễn có nhiều tìm tòi sáng tạo và bứt phá ngoạn mục, đặc biệt trong công tác biên đạo. Sự hòa trộn giữa các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, cùng những hiệu ứng từ trang phục, đạo cụ, sân khấu và đặc biệt là nghệ thuật thị giác hiện đại đã tạo nên một tác phẩm múa ấn tượng. Một trong những xử lý thành công và tạo được dấu ấn trong Ballet Kiều đó là sự kết hợp hiệu ứng kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều ở những phân cảnh múa ballet dưới nước được ghi hình và xử lý rất kỳ công.

 Một số phân đoạn trong “Ballet Kiều”

Yếu tố nữa khiến Ballet Kiều hấp dẫn chính là nhờ một phần vào sự thể hiện đầy chuyên nghiệp của dàn nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM. Họ đã làm chủ kỹ thuật múa ballet trên giày mũi cứng và thể hiện tốt thần thái cảm xúc của nhân vật. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đánh giá cao các nghệ sĩ tham gia, họ đều đang đạt độ chín trong nghề, nhất là với hai nhân vật Tú Bà (Sùng A Lùng) và Đạm Tiên (Kim Tuyền). Nổi bật và tạo được nhiều cảm xúc với khán giả là nhân vật nàng Kiều do NSƯT Trần Hoàng Yến đảm nhận. Có mặt ở hầu hết các trường đoạn, Hoàng Yến đã sử dụng nhiều ngôn ngữ múa khác nhau và thay đổi sắc thái liên tục để thể hiện khá thành công nàng Kiều của sân khấu ballet.

Phần trang trí sân khấu và thiết kế ánh sáng được đầu tư công phu, ê kíp đã tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng để tạo nên không gian cho cảnh diễn, tất cả đều chuyên chở ý đồ sáng tạo chứ không dừng lại ở trang trí cho đẹp và bắt mắt. Bên cạnh đó, khâu thiết kế trang phục cũng là một “điểm cộng” cho vở diễn. NTK Khánh Diệp đã vượt qua được những thách thức về thời gian và văn hóa để lấy cảm hứng từ trang phục áo tứ thân, áo the truyền thống của người Việt nhưng vẫn phải tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet. Xuyên suốt cả vở nhạc kịch là những lớp diễn cực kỳ ấn tượng làm mãn nhãn khán giả như các màn trình diễn đầy thăng hoa trong các cảnh Kiều vào lầu xanh gặp Tú Bà; Kiều với vợ chồng Thúc Sinh; Kiều hạnh phúc với Từ Hải... Chỉ một chiếc chiếu nhưng ba nghệ sĩ trong vai Kiều, Hoạn Thư và Thúc Sinh thỏa sức “tung tẩy” để diễn tả cảnh chồng chung đầy ám ảnh.

... và chê

Tuy nhiên, vẫn có chút tiếc nuối đối với Ballet Kiều. Một đạo diễn sân khấu chia sẻ: “Ghi nhận những sáng tạo về dàn dựng và biên đạo trong Ballet Kiều nhưng chúng tôi đặt ra nhiều kỳ vọng hơn về “chiều sâu” đối với ê kíp sáng tạo khi can đảm dựng một tuyệt tác văn học là Truyện Kiều. Tôi cho rằng, tính thơ và văn chương trong vở kịch múa đã bị mờ nhạt bởi vai trò và ý đồ của biên đạo. Các nhân vật trong Truyện Kiều đều có số phận và tính cách rất điển hình, nhưng Ballet Kiều chưa làm rõ nét được điều này. Thật đáng tiếc khi một trong những nhân vật tiêu biểu của tác phẩm là Hồ Tôn Hiến không được xuất hiện. Từ Hải trong Ballet Kiều cũng không nổi bật được số phận và tính cách. Ai cũng kỳ vọng biên đạo sẽ xử lý cái “chết đứng” của Từ Hải trong múa ballet một cách ấn tượng, nhưng ngược lại, biên đạo đã để Từ Hải chết đầy tính “chiến đấu” trên đống giáo mác”. Hình tượng Từ Hải ăn sâu trong tâm thức và trở thành một phần văn hóa của người Việt, với “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, tiếc rằng trong vở kịch múa này, nhân vật chưa tạo ra được khí chất hào kiệt, ngang tàng của vị tướng quân trượng nghĩa.

Một khán giả lớn tuổi sau khi xem Ballet Kiều đã chia sẻ, nếu đứng về góc độ văn học thì theo cá nhân tôi vở Ballet Kiều không mấy liên quan đến Truyện Kiều. Tác phẩm văn học chỉ là cái cớ để cho ê kíp sáng tạo thể hiện quan điểm nghệ thuật và cách dàn dựng của họ. Bước ra khỏi buổi diễn, tôi không thấy cảm thương “nàng Kiều ballet” nhiều như với “nàng Kiều trên giấy”...

“Ở đây không phải chỉ là vấn đề kể lại câu chuyện cuộc đời nàng Kiều mà những người làm nghệ thuật cần khai thác được cái đẹp và cái đau đớn của nàng Kiều để tạo nên sự rung cảm, đồng cảm của khán giả với nhân vật. Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào thì cách xây dựng hình tượng nhân vật cũng là điều quan trọng nhất, tuy nhiên, với tôi Ballet Kiều chưa làm được điều này như những vở diễn trước đây đã dựng Kiều. Người xem chưa thấy thương Kiều bởi những trầm luân, những trường đoạn khổ ải mà Kiều phải trải qua như trong tác phẩm văn học. Tôi cũng thấy ngôn ngữ múa và âm nhạc vẫn còn đâu đó những chi tiết xử lý chưa nhất quán, nhất là cách xử lý một số lớp mang tính lễ hội không phù hợp lắm với kịch múa”, một nghệ sĩ lâu năm trong ngành múa nhận định.

Những băn khoăn từ khán giả và chính những người làm nghệ thuật đã phần nào lý giải sự thành công và chưa thành công của một vở nhạc kịch được đầu tư kỳ công như Ballet Kiều. Mong rằng, qua những ý kiến phản hồi này, ê kíp sáng tạo sẽ có sự nghiên cứu tìm tòi sâu hơn nữa, tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa giá trị tư tưởng và nghệ thuật để có thể "mã hóa" thành công tác phẩm văn chương nổi tiếng như Truyện Kiều. Bởi lẽ ai cũng biết, với ngôn ngữ ballet, thể hiện những chương hồi, số phận và tính cách của các nhân vật trong các tác phẩm văn học kinh điển đã trở thành một phần “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc là điều không hề dễ dàng. 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top