Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Đầu tàu cũng phải... cứu

Thứ Hai 24/08/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 sau lần trở lại thứ 2 trong cộng đồng, ngành Du lịch cả nước đang chịu thiệt hại nặng nề.

 Các hãng lữ hành và khách sạn ở TP.HCM hợp tác đưa ra nhiều gói nghỉ dưỡng cuối tuần giá rẻ chưa từng có

Đầu tàu du lịch TP.HCM cũng kiệt sức và liên tục kêu cứu.

90-95% doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động

Theo Sở Du lịch TP.HCM, gần như toàn bộ khách hàng đã hủy, hoãn các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt, Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình… cho đến hết tháng 9. Chỉ một số rất ít khách (3-5%) vẫn giữ hành trình đến các địa phương, điểm đến gần TP.HCM, không có người nhiễm dịch Covid-19 như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Đồng bằng sông Cửu Long...

Hầu hết, các dịch vụ du lịch thực hiện từ 26.7- 1.8 đã được các doanh nghiệp lữ hành thanh toán toàn bộ dịch vụ cho đối tác, khi xảy ra dịch, khách hoàn, hủy tour đều đề nghị được hoàn trả 100% số tiền. Nhưng thực tế, một số đơn vị cung ứng dịch vụ tại các địa phương không phải vùng dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn cọc hoặc chuyển thanh toán đến thời điểm sau dịch cho các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không cũng chỉ chuyển cọc vé máy bay sang thời điểm khác, cho lùi ngày bay. Hiện nay, hầu hết các hãng lữ hành đều kẹt ở giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ, không có tiền xoay vòng vốn, cho nhân viên nghỉ việc, trả mặt bằng thuê văn phòng...

Bà Võ Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Đến nay, 90-95% doanh nghiệp lữ hành đã phải tạm dừng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương. Khối các cơ sở lưu trú còn khó khăn hơn. Các booking phòng tháng 7-9 đều bị hủy, hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng (quy mô 30 khách trở lên) cũng bị hủy. Nhiều khách sạn cũng cho nhân viên nghỉ lên tới 80 - 90%, một số cho nhân viên nghỉ toàn bộ, đóng cửa, rao bán mặt bằng... Công suất phòng hiện nay giảm trên 90% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 87,4% lao động nghỉ không lương, số còn lại chấm dứt hợp đồng lao động. Doanh nghiệp vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cũng phải tạm dừng hoạt động vì không có khách. Doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục sau đợt dịch trước, nay càng khó khăn hơn gấp nhiều lần”.

Các doanh nghiệp du lịch TP.HCM rất quan tâm đến các chính sách tín dụng để vay vốn, chi trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động của công ty nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Chính sách hỗ trợ khác cũng chưa đến được tay doanh nghiệp, người lao động ngành Du lịch đang bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi đại dịch. Thống kê sơ bộ, chỉ có 7 trong tổng số 50 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú được hỗ trợ lãi suất cho vay sau các buổi làm việc giữa Sở Du lịch TP.HCM với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá điện cho hóa đơn tháng 5, 6, 7.2020. 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí theo quy định.

Tại Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch”, Sở Du lịch TP.HCM đã kiến nghị Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cần triển khai giải pháp kích cầu du lịch với các sản phẩm đa dạng sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh; Thực hiện chiến dịch truyền thông xuyên suốt điểm đến an toàn thống nhất trong cả nước đa chiều, đa hình thức... Đặc biệt là đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành vay lại tiền ký quỹ của doanh nghiệp để có thể sử dụng tiền đó trả lương nhân viên, trả nợ, kiến nghị giảm các loại thuế phí, bảo hiểm, điện, nước… cho doanh nghiệp, tái đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Chuẩn bị các kịch bản hồi phục

Theo các kịch bản phục hồi du lịch mà Sở Du lịch TP.HCM xây dựng: Nếu dịch được khống chế trong tháng 9, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, vận chuyển, các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh, thành đã ký kết. Công tác truyền thông cũng sẽ được tăng cường để doanh nghiệp du lịch và du khách đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch; Trường hợp xấu hơn, dịch kéo dài đến hết quý IV.2020, hoạt động du lịch, lữ hành, khách sạn, xe vận chuyển khách du lịch tiếp tục bị ngưng trệ, các hoạt động xúc tiến sẽ được tập trung bằng giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cấp, duy trì cơ sở vật chất trong ngành Du lịch. Sở Du lịch sẽ có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm phù hợp với tình hình, xu hướng mới, chuẩn bị tái khởi động kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Cục Thuế thành phố tiếp tục triển khai gia hạn nộp thuế, đảm bảo các đối tượng đều được thụ hưởng chính sách ưu đãi; Tiếp tục rà soát danh sách các hộ tạm ngừng kinh doanh để hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; Điều chỉnh kịp thời mức thuế khoán đối với các hộ cá nhân tạm ngưng kinh doanh. Sở Du lịch được thành phố giao tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Nghiên cứu các kịch bản khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Sở Du lịch có nhiệm vụ triển khai chương trình kích cầu nội địa, phát triển các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm, chú trọng triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ; Thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành thuộc cụm Tây Bắc, cụm Đông Bắc, vùng Trung Trung Bộ. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế được Quốc hội, Chính phủ thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top