Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng?

VHO- Trước những tranh cãi về việc cán bộ, công chức của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên- Huế mặc áo dài truyền thống đến cơ quan làm việc vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, trong đó, các nam công chức mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng, nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ việc làm này. NTK cho biết rất ấn tượng khi nhìn thấy những hình ảnh nam công chức mặc áo dài đến công sở, nhất là tại Huế, chiếc nôi văn hóa truyền thống, nơi tà áo dài đã tạo nên những lát cắt đặc trưng.

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng? - Anh 1

. Anh cảm nhận thế nào khi nhìn thấy hình ảnh đàn ông Huế mặc áo dài tới công sở?

Đó là những hình ảnh rất đẹp và lạ. Tôi hoàn toàn ủng hộ Sở VHTT của Huế khi họ đã tiên phong triển khai việc đưa áo dài, đặc biệt là áo dài nam vào hoạt động công sở. Huế là địa danh nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, và đặc biệt hình ảnh áo dài Huế đã trở thành một thương hiệu có sức thu hút. Cứ hình dung buổi sáng mọi người đi làm trong những tà áo dài, dù nam hay nữ đều tạo nên hiệu ứng thú vị. Huế là vùng đất có nguồn thu lớn từ du lịch, việc làm này nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách.

Tất nhiên đã là tiên phong thì sẽ tạo sự tò mò và cả những tranh luận.  Nhưng như tôi đã nói, hình ảnh đẹp, vì sao lại phản đối?

. Trong nhiều tranh cãi, không ít ý kiến cho rằng, áo dài ngũ thân của nam giới không hiện đại, bất tiện và không phù hợp với môi trường công sở. Anh nghĩ sao?

Thực tế luôn có nhiều quan điểm khác nhau. Nam giới mặc áo dài hiện nay là số ít, nhất là áo dài ngũ thân. Khi chưa quen với những thay đổi khác biệt thì sẽ có nhiều tranh cãi, về hình ảnh, chất liệu và bối cảnh xuất hiện. Tôi nghĩ rằng những lý do vướng víu hay bất tiện... đều chỉ vì người ta chưa quen. Ví như việc đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19..., dần dần cũng đã trở thành thói quen, nhưng mới đầu không phải không có phản ứng. Thế nên, chuyện đàn ông không muốn mặc áo dài  thì cũng sẽ có nhiều lý do đưa ra.

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng? - Anh 2

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Nhưng điều chúng ta cần nhìn nhận ở đây là việc công chức Huế mặc áo dài sẽ tạo nên những hiệu ứng gì tích cực. Nhìn ở góc độ người quản lý, đây là việc làm để quảng bá rộng rãi áo dài, một lần nữa khẳng định thương hiệu áo dài xứ Huế vốn đã đi vào thơ ca nhạc họa. Câu chuyện văn hóa Huế sẽ được kể đa  dạng hơn, thu hút hơn,  giúp  du lịch Huế đi lên, thu hút du khách và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.

. Nhiều kỳ cuộc tôn vinh áo dài chỉ chủ yếu đề cập đến áo dài nữ. Rườm rà, tốn kém, ẻo lả..., có phải cách nhìn nhận đó khiến áo dài nam cho đến nay chưa được mặn mà đón nhận?

Nghệ sĩ sân khấu và  các NTK có thể sẽ thiết kế những trang phục màu mè, cầu kỳ, tạo sự chú ý. Nhưng với những trang phục mang tính ứng dụng cao, chất liệu mát mẻ, dễ chịu, họa tiết hoa văn trang nhã, vừa phải... như những bộ trang phục áo dài ngũ thân nam giới, khi mặc sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm và không hề bó buộc.

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng? - Anh 3

Tất nhiên vì chưa quen nên nhiều người mới áp cho áo dài nam những thứ bất tiện ấy. Bên Ấn Độ, nam giới vẫn thường xuyên mặc áo dài. Tôi tin nếu Huế làm được dự án này thành công thì sẽ tạo nên những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, ấn tượng. Áo dài nữ đã trở thành trang phục không thể thiếu trong văn hóa Việt thì áo dài nam cũng vậy. Khi tôi mang áo dài ra nước ngoài, khách quốc tế luôn gọi tên áo dài Việt Nam. Đó là thương hiệu của người Việt mà chúng ta đều phải chung tay gìn giữ.

Cá nhân tôi suy nghĩ đây là hướng đi đúng, tuy nhiên cũng có thể cân nhắc sử dụng những bộ áo dài có cải tiến cho phù hợp với bối cảnh hiện đại. Tôi sẵn sàng đưa ra những thiết kế lấy ý tưởng từ áo dài ngũ thân nhưng có thay đổi, hiện đại hơn để tặng TP Huế.

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng? - Anh 4

. Đây là hành động tiên phong trong công tác bảo tồn, quảng  bá cho áo dài truyền thống xứ Huế, hướng đến xây dựng “Kinh đô áo dài Việt Nam”. Anh có suy nghĩ gì về hướng đi này?

Điều đó rất tuyệt vời. Từ hướng đi này sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm công ăn việc làm,  giúp kinh tế phát triển. Huế là cái nôi về văn hóa, có nhiều lễ hội trình diễn áo dài, vì thế đây sẽ là dự án để những nét truyền thống đó tiếp tục lan tỏa. Với bản sắc đặc thù, đây là hướng đi riêng để Huế vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm sức thu hút để phát triển du lịch. Tôi cho rằng đó là một hướng đi có tầm nhìn, tạo động lực phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống, đặc biệt khi Huế và cả nước vừa trải qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid- 19.

. Xin cảm ơn NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam!

BẢO NGÂN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc