Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nhà chống lũ cho miền Trung: Vì sao chưa được nhân rộng?

Thứ Hai 26/10/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Những cơn bão, lũ qua đi nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Cuộc sống sẽ bắt đầu lại từ đâu vẫn là câu hỏi mà gần như năm nào cũng lặp lại, hiện diện trên những khuôn mặt thất thần của người miền Trung. 

Mùa bão lũ năm nay tiếp tục khiến nhiều người một lần nữa nhắc đến sự cần thiết nhân rộng những mô hình nhà an toàn chống lũ, vốn đang xuất hiện nhưng chưa nhiều trên dải đất khắc nghiệt miền Trung. 

 Vùng rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) (ảnh lớn) và người dân chống chọi với biển nước trên Nhà chống lũ (ảnh nhỏ) Ảnh: CTV

Những căn nhà vượt bão 
Hiệu quả thiết thực, chi phí không cao và điều quan trọng nhất, đó chính là chiếc phao cứu sinh giúp bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Mặc dù vậy, nhà lõi, nhà phao, nhà chống lũ… cho đến nay vẫn chưa được nhân rộng. 
KTS Ngô Doãn Đức thốt lên, nhìn cảnh bão lụt miền Trung năm nay mà không khỏi xót xa. Nhiều năm trước, khi còn là Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội KTSVN), ông đã cùng nhiều đồng nghiệp đưa ra những ý tưởng tổ chức và tham gia cuộc thi thiết kế “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt”. Nhiều đồ án được giải cao là ý tưởng cho nhà chống lũ, hướng về miền Trung. Một trong số đó đã được đưa vào xây dựng thực tế. Tuy nhiên, những đồ án được xây dựng còn quá ít. ”Dù chưa thực sự phổ biến nhưng nếu những mô hình nhà chống bão lũ được nhân rộng thì người dân miền Trung sẽ thoát được cảnh năm nào cũng nơm nớp nỗi lo chạy bão, chạy lũ…”, KTS Ngô Doãn Đức tâm tư. 
Ông nhắc đến mô hình “nhà lõi”, phương án đạt giải Cuộc thi kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt nhằm tìm ra những kiểu nhà thích ứng cho các tỉnh miền Trung, ĐBSCL do Hội KTSVN tổ chức. “Vì sao gọi là nhà lõi? Nghĩa là phần căn bản nhất của một ngôi nhà chống lũ. Người dân sẽ không phải chạy đi trốn lũ mà sẽ ở trên cao, tránh lũ tại chỗ. Những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt, thậm chí cả những tài sản lớn như trâu, bò cũng có thể đưa lên tầng cao để chờ bão lũ đi qua. Mẫu nhà lõi là mẫu nhà chưa hoàn chỉnh, sau khi dựng sẽ được hoàn thiện theo nhu cầu và hoàn cảnh của từng nhà. Nhà lõi có diện tích nhỏ, có kết cấu dạng khung cứng, được tính toán chống bão và vượt các mức lũ khác nhau. Theo thiết kế, các hộ dân sử dụng có thể tự dịch ra, xê vào nhà lõi so với nhà hiện có và các hạng mục khác một cách thích ứng nhất, để nhà lõi thực sự trở thành một phần của ngôi nhà, an toàn trong bão, lũ. 

 Hình ảnh chụp lại lúc 10h sáng 18.10 lũ đỉnh điểm ở Quảng Bình những căn nhà phao phát huy tác dụng 

 Mô hình nhà phao biệt lập của Nhà chống lũ - Ảnh: Dự án Nhà chống lũ 

“Mục tiêu mà Hội KTSVN đặt ra là mẫu nhà tránh bão lũ vừa phải bền vững, an toàn, linh hoạt, vừa có mức đầu tư thấp, để ngay cả khi không nhận được tài trợ thì các hộ nghèo cũng có thể tự phấn đấu, bỏ tiền xây dựng. Còn với các nhà tài trợ, mẫu nhà giá rẻ cho phép họ hỗ trợ được nhiều hộ nghèo hơn…”, KTS Ngô Doãn Đức nhớ lại. Ông cho biết, điểm thuyết phục nhất ở mẫu nhà này chính là giá thành rẻ, chỉ trên dưới 20 triệu đồng. Chính vì thế, mẫu nhà lõi thực sự thích ứng với điều kiện kinh tế và khả năng tự áp dụng của các hộ dân. Mẫu nhà có dạng modul, có thể xây dựng lắp ghép đồng bộ, hàng loạt hoặc đúc tại chỗ, chịu được bão, lũ với mức nước dâng cao so với mặt đất trong nhiều ngày. Ông Đức cũng cho biết, những ngày qua theo dõi tình hình diễn biến lũ lụt ở miền Trung, thấy những ngôi nhà chống lũ dạng nhà lõi, nhà phao (nhà nổi bằng pit-tông)… đã phát huy tác dụng như thế nào trong việc giúp người dân tránh bão lũ. Những mẫu nhà chống bão lũ này đã phát huy hiệu quả, thể hiện sức sáng tạo và ứng phó trước thiên tai từ giới nghề kiến trúc, từ những tấm lòng tâm huyết với cộng đồng và từ chính những người dân vùng lũ. 
“Mặc dù ý tưởng nhà lõi ra đời đã lâu song đến nay, trước diễn biến phức tạp của bão lũ mỗi năm thì tính thời sự của nó vẫn luôn nguyên vẹn. Giới KTS tâm đắc bởi nhà lõi là một sự gợi ý về giải pháp tránh lũ cho nhân dân miền Trung, với những tính toán hướng đến 3 tiêu chí là áp dụng linh hoạt, đơn giản và tiết kiệm chi phí, xã hội hóa cao…”, ông Đức chia sẻ. 

 Lũ qua đi, nhà an toàn ở lại 

Miền Trung cần lắm những ngôi nhà an toàn 
Bão chồng bão, lũ chồng lũ, trong tình cảnh ấy, sự tồn tại của những ngôi nhà phao một lần nữa cho thấy tác dụng thiết thực. Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) trong đợt bão lũ vừa qua, dù nước ngập sâu nhưng với những ngôi nhà phao, một trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án Nhà chống lũ một lần nữa đã bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con. Những hình ảnh chụp lại vào thời điểm mực lũ đỉnh điểm ở Quảng Bình đã cho thấy những căn nhà phao thực sự trở thành “phao cứu sinh” đối với người dân. 
Theo Dự án Nhà chống lũ, hầu hết các hộ dân được dự án hỗ trợ trong vòng 7 năm qua đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa. Hơn bao giờ hết, những người dân miền Trung khát khao có một căn nhà an toàn, để mỗi mùa bão lũ đều có thể “vẫy tay chào lũ”. Từ năm 2013, Nhà chống lũ là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Đến tháng 9.2020, Nhà chống lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà. 

 Phương án giải A cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn vùng bão lụt - PGS.TS Phạm Hùng Cường 

Bên cạnh đó, dự án đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt. Nhà chống lũ hiện nay có 3 loại chính: nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác. Trên thực tế, mức giá hoàn thiện từng căn nhà chống lũ an toàn trong khoảng từ 80 - 180 triệu đồng. Trong đó, Nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực riêng, hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được. Như vậy, với mức kinh phí tối thiểu để làm nên những ngôi nhà chống lũ của Dự án này, số tiền đối ứng của các gia đình là khoảng 35- 40 triệu đồng. Không quá lớn song so với những khó khăn mà miền Trung thường phải gánh chịu, đây không hẳn là số tiền mà gia đình nào cũng có thể chi trả để có được một mái nhà an toàn. Nhà lõi giá chỉ hơn 20 triệu đồng hay các mô hình Nhà chống lũ của dự án với 35-40 triệu đồng tiền đối ứng có lẽ cũng là một gợi ý thiết thực cho các tổ chức, các chương trình từ thiện, hỗ trợ miền Trung. 
KTS Ngô Doãn Đức bộc bạch: “Những chia sẻ cấp thiết như thức ăn, quần áo mặc sẽ giúp người dân vượt qua được những khủng hoảng nhất thời trong mưa bão, nhưng để hỗ trợ mang tính lâu dài, bền vững thì rất cần các Mạnh Thường Quân lưu tâm đến vấn đề hỗ trợ cho người dân miền Trung những ngôi nhà an toàn chống bão lũ”. Cũng theo ông Đức, giới kiến trúc sư nước nhà cần thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm và sẵn sàng vào cuộc, đưa ra những ý tưởng sáng tạo và giải pháp thực thi để cùng xã hội chia sẻ, giúp đỡ, đồng hành với miền Trung xây dựng và nhân rộng những mô hình nhà chống bão lũ. Trong các cuộc thi thiết kế nhà ở kiến trúc nông thôn, nhà chống lũ luôn là một mảng đề tài được nhiều kiến trúc sư theo đuổi. Thực tế dù đã có những mẫu nhà được ứng dụng nhưng số lượng chưa nhiều. 
“Tôi cho rằng đội ngũ kiến trúc sư đông đảo hiện nay nên giành thời gian, hướng tới việc tạo dựng những không gian sống an toàn, đảm bảo các yếu tố cơ bản, là nơi trú ngụ qua nguy hiểm cho đồng bào miền Trung. Bản thân tôi, với kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà lõi trước đây, tôi sẵn sàng vào cuộc để hỗ trợ, định hướng giúp người dân có giải pháp vượt qua bão lũ, ổn định cuộc sống bền vững. Tôi tin rằng nhiều kiến trúc sư khác cũng sẵn sàng như vậy”, KTS Ngô Doãn Đức tâm sự. 

  Mặc dù ý tưởng nhà lõi ra đời đã lâu song đến nay, trước diễn biến phức tạp của bão lũ mỗi năm thì tính thời sự của nó vẫn luôn nguyên vẹn. Giới KTS tâm đắc bởi nhà lõi là một sự gợi ý về giải pháp tránh lũ cho nhân dân miền Trung, với những tính toán hướng đến 3 tiêu chí là áp dụng linh hoạt, đơn giản và tiết kiệm chi phí, xã hội hóa cao… 

(KTS NGÔ DOÃN ĐỨC)

 

 Thủy Tiên thông báo sẽ xây nhà cộng đồng giúp miền Trung tránh lũ 
Cập nhật tài khoản ủng hộ miền Trung đã nhận được 150 tỉ đồng (tính đến ngày 24.10), nữ ca sĩ Thủy Tiên cho biết, sẽ dành một số tiền để xây dựng lại nhà sập bị lũ cuốn, xây nhà cộng đồng 4-5 tầng tránh lũ, có sẵn thuyền cứu hộ trong nhà cho cả thôn, giúp người dân tự dùng thuyền cứu nhau khi cần thiết… 

 BẢO ANH 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top