Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam là rất cần thiết

Thứ Ba 27/10/2020 | 16:31 GMT+7

VHO- Sáng nay (27/10), Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Đoàn Chủ tịch điều hành Đại Hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025

Nước mắm- loại nước chấm quốc hồn quốc tuý- không chỉ là một loại gia vị mà đã trở thành một biểu tượng của ẩm thực VN.  Theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư “ in vào năm Chính Hoà thứ 18 (1697), người Việt đã biết làm và dùng nước mắm. Có thể nói 99 % người Việt đều ăn nước mắm hàng ngày và trên dải đất hình chữ S, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, đâu đâu cũng có thể làm được nước mắm và ăn nước mắm.

Ông Trần Đáng , đại diện  Ban vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho biết: “Nước mắm có lịch sử tồn tại lâu dài, là một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hoá của người Việt. Hiện nay, cả nước có gần 3000 doanh nghiệp sản xuất nước mắm sản lượng trên 200 triệu lít/năm. Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, nước mắm Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu đi toàn thế giới. Do vậy, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động là cần thiết"

Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng từ 200 năm trước với phương pháp ngâm ủ nguyên liệu 100% là cá cơm trong các thùng gỗ bời lời có đường kính 1,5-3,0 m, cao 2-4 m, ủ được 7-13 tấn cá tạo ra các giọt nước mắm thơm ngon màu cánh gián đặc trưng không nơi nào có được.

Nước mắm Cát Hải với câu ca dao đã đi vào lòng mỗi người dân xứ Bắc “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. Xí nghiệp nước mắm Vạn Vân của ông Đoàn Đức Ban thành lập năm 1916 với 10.000 chum loại 400 kg để ủ chượp. Ông Đoàn Đức Ban là bố đẻ của nhạc sĩ nổi tiếng Đoàn Chuẩn. Phương pháp đánh quay, lên muối và gia nhiệt bằng ánh sáng mặt trời kích thích sự lên men trong chượp làm nên giọt nước mắm Cát Hải có hương thơm tự nhiên, màu mận chín, càng để lâu càng ngon.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, nước mắm của Việt Nam là loại thực phẩm khá đặc trưng. Hiện nay trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất, kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình tham gia chế biến nước mắm

Nước mắm Hai Non Cà Ná ra đời từ đầu thế kỷ 20, nguồn nguyên liệu là cá cơm vùng duyên hải miền Trung tạo ra các giọt nước mắm có độ đạm cao, màu vàng rơm thơm ngon nổi tiếng.

Nước mắm Ba Làng-Tĩnh Gia có lịch sử từ rất xa xưa. Loại nước mắm này vàng óng, đặc sánh, thơm lừng, được gọi là mắm chắt.

Nước mắm Quan Lạn với phương pháp cổ truyền là đánh quậy, phơi nắng lên hương tự nhiên được lưu truyền từ nhiều đời ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, gia đình nào cũng dành  một khoảng sân rộng làm nơi xếp chum phơi mắm. Sáng nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng người ta dậy chăm sóc  chum mắm 3-4 tiếng rồi đậy nắp chum lại, đến 4 giờ chiều lại mở nắp chum ra để khuấy đều, cứ ngày này qua ngày khác, kéo dài 3 năm mới được một chum mắm....

Ngoài ra, còn hàng chục loại nước mắm nổi tiếng khác, cứ đọc lên đã cảm nhận được hương vị đặc trưng và vị đượm hấp dẫn như: nước mắm Cái Rồng, Sá Sùng, Đại Yên (Quảng Ninh); nước mắm Hải Tiến, Thanh Hương (Thanh Hoá); nước mắm Hòn Cau, Sa Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu); nước mắm Cửa Hội (Nghệ An); nước mắm Phan Thiết, nước mắm Liên Thành, nước mắm Cà Ná (Ninh Thuận)....

Trước đây nước mắm chỉ hiện diện trong bữa ăn của người Việt nhưng nay  nước mắm đã đi khắp nơi trên thế giới.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  phát biểu tại Đại hội

Theo ông  Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , tuy sản lượng nước mắm từ các thành viên của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đóng góp cho GDP của đất nước không nhiều, nhưng nó liên quan đến bữa ăn của hàng chục triệu gia đình, của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Vì thế, việc thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam là rất cần thiết và mang lại nhiều ý nghĩa to lớn cho người sản xuất - kinh doanh - nghiên cứu - tiêu dùng.

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam khẳng định Hiệp hội sẽ đồng hành cùng Hiệp hội Nước mắm để cùng xây dựng bản sắc ẩm thực VN nói chung và bản sắc của nước mắm Việt nói riêng

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam được thành lập theo quyết định 610/QĐ-BNV số ngày 3/9/2020 của Bộ Nội vụ.

Các hoạt động của Hiệp hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người dùng; đồng thời bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất;

Các thành viên trong BCH Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực VN tham dự Đại hội

Thông qua Hiệp hội, các thành viên sẽ kế thừa và phát triển tinh hoa lâu đời của nghề sản xuất nước mắm, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy nước mắm Việt Nam được công nhận vị trí số 1 toàn cầu.

Hiệp hội hoạt động với mục đích liên kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả lao động giá trị, chất lượng nước  mắm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo tồn ngành và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần vào công việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gồm 21 thành viên và 5 ủy viên trong Ban Kiểm tra.

                                                      Bài & ảnh:Đức Anh

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top