Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Lớp học chon von trên vách đá

Thứ Sáu 30/10/2020 | 11:10 GMT+7

VHO- Khi bóng tối chầm chậm phủ xuống những tán lá rừng, ngước nhìn đỉnh Lù Dì Sán, đâu đó thấy như vẳng trong khối mây ken dày đang che nốt những tia nắng cuối ngày tiếng xe máy bình bịch mơ hồ... Người Mông ở Sán Chải (Xi Ma Cai, Lào Cai) bảo, cái xe thầy giáo Cù đấy!

Cứ hết giờ lên lớp, thầy Giàng Seo Cù lại vòng vèo đường núi chạy xe máy về nhà ở mãi tận Bắc Hà.

 Những em học sinh mầm non người Mông của thầy giáo Giàng Seo Cù

Hoa nở bên cột mốc

Nằm bên sườn núi cheo leo với độ cao 1.500m, xã Sán Chải tút hút tận thượng nguồn sông Chảy, mãi năm 2017 mới có điện lưới Quốc gia. Nhìn qua nhìn lại chỉ đếm được 54 hộ gia đình người Mông với 200 nhân khẩu và những… 10 ngôi nhà được xây bằng gạch. Khó khăn là thế, nhưng nhất định không một ai chịu để con thất học, vì người Mông ở đây sợ không có cái chữ thì lũ trẻ sẽ lại lầm lũi khổ như con trâu trên nương. Đó là những điều đầu tiên mà thầy giáo trẻ Giàng Seo Cù kể cho chúng tôi nghe về nơi mình đang công tác ở mảnh đất biên cương này.

Điểm trường Lù Dì Sán 1 nằm bên đường lên đỉnh núi cao chót vót mà đứng ở đó chỉ đưa tay ra là với được mây, chụm chân đứng thẳng là đầu chạm tới trời! Trước mặt là con sông Chảy ngăn đôi biên giới Việt - Trung, còn xung quanh thì sừng sững những vách núi cao và gần ngay cột mốc 172 hiên ngang giữ đất. Điểm trường có duy nhất một lớp học của 25 đứa trẻ từ 3-5 tuổi, là con em đồng bào người Mông. Đây là năm thứ 3 thầy giáo Giàng Seo Cù sinh năm 1992, quê ở huyện Bắc Hà, phụ trách lớp học chon von trên vách đá ấy, một tay thầy làm tất, nhận mặt con chữ, hát, múa, đọc thơ cho đến... đổ bô hằng ngày. Ai cũng bảo, thầy Cù có gương mặt đẹp như hoa pằng tớ dày, sống mũi cao như thân cây ngô mọc trên đá và giọng nói thì nhẹ nhàng, êm như tiếng suối tìm đường đổ về thác! Có lẽ, chính vì nhiều “lợi thế” như vậy nên chàng trai người Mông mới gắn bó được với nghề trông trẻ.

“Ngày xưa dạy múa thấy khó, nhưng giờ thì đỡ rồi”, thầy giáo trẻ cười ngượng nghịu, “từ vỗ tay đệm theo bài hát, kết hợp nhún nhảy, lắc lư, giậm chân, múa dẻo múa khéo… gắn bó với trẻ nhiều thành quen, nên không còn ngần ngại như lúc đầu nữa”. Mỏi mắt tìm trên Sán Chải cũng không ra được người đàn ông múa dẻo như thầy Cù. Dân làng thì nói như khoe: “Cứ tưởng đàn ông người Mông chỉ biết lên rừng săn bắn, xuống nương vỡ ruộng, về nhà uống rượu... Hóa ra còn múa đẹp như cô giáo người Kinh. Đàn ông người Mông mình giỏi quá! giỏi quá!”.

Ngày nào cũng vậy, trời vừa tang tảng sáng là thầy Cù lái xe từ Bắc Hà qua mấy đỉnh núi tới trung tâm xã Cán Cấu, nơi có phiên chợ Cán Cấu nổi tiếng của mảnh đất Lào Cai, rồi lại ngược thung sâu vào xã Sán Chải, nghỉ chân ở đó một chút để tiếp tục đi lên điểm trường Lù Dì Sán 1. Gặp hôm đường mù sương, tay phải cứ vê ga cho đèn thật sáng, chân thì liên tục đạp phanh để bánh xe khỏi trượt. Cả tuyến đường chừng 40 km ổ gà dày như lỗ tra thóc, chiếc xe cứ nhảy tưng tưng trên đá hộc để rẽ lối tìm đường...

 Thầy giáo Cù đang dạy các em học sinh múa hát

Là đất đai của quê hương mình...

Cứ gần tới giờ học, thầy Cù lại ra cổng ngóng mấy cái dáng trẻ con bé như cây nấm, đầu đẫm hơi sương, lon ton tới lớp. Tay bế lưng cõng, thầy kiên nhẫn tha từng đứa vào tập trung trong sân trường. Chúng líu lo tiếng dân tộc, ngọng nghịu đọc thơ, ê a nhận mặt chữ. Thầy trò “đánh vật” với nhau đến tầm 10 giờ, toát cả mồ hôi giữa thời tiết lạnh, rồi vội vã sang gian bếp ngay cạnh để cùng một phụ huynh nấu cơm trưa. Khi lũ trẻ ăn xong, đã chịu nằm ngoan giấc ngủ, thầy Cù mới rón rén ra võng, nằm đếm tiếng chim “bắt cô trói cột” vọng lại từ trong rừng sâu, chờ học sinh thức dậy để vào giờ học chiều.

Vài hôm trước, thấy nhiều người dưới xuôi chia sẻ trên mạng, mùa đông năm nay sẽ đến sớm và lạnh lắm, rồi họ dự định sẽ đi du lịch ngắm tuyết… Thầy Cù lại chạnh lòng, bởi chẳng bao lâu nữa, cái rét sẽ về phà hơi giá buốt lên những tầng đá núi, cây ngô trên nương táp đi vì sương muối, con chim trong rừng cũng vội vã tìm đường về phương Nam để trốn những ngày đại hàn, không biết có ai nghĩ tới những đứa trẻ trên rẻo cao chỉ phong phanh manh áo cộc, tím tái co ro trong cái lạnh có thể giết chết cả trâu bò...

Thầy thở dài, giá mùa đông tới bọn trẻ có thêm đôi ủng cao su thì tốt biết mấy! Cũng có đôi lúc, đứng trên đỉnh Lù Dì Sán gửi tầm mắt đi xa hút tắp, thầy Cù lại ước, nếu điểm trường có một cây cột cờ thật cao, thì thầy sẽ treo lên lá cờ đỏ sao vàng thật lớn, để các em học sinh luôn ghi nhớ đây là biên cương Tổ quốc, là đất đai của quê hương mình.

Trong lúc xe quay về Hà Nội, tôi nhận được bức ảnh thầy Cù chụp những đứa trẻ người Mông, với đôi tay nhỏ xíu, đen đúa như ngọn măng rừng đang hí hoáy xếp mấy hạt ngô thành hình con chữ, thầy bảo: “Bọn trẻ biết bảo nhau học cả trong những giờ ra chơi đấy. Thiếu thốn nên thứ gì cũng có thể thành đồ chơi”.

Bất chợt, chúng tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi xa mờ, chờn vờn mây trắng, ở nơi phên dậu Tổ quốc không chỉ có thầy Cù mà còn hàng ngàn những thầy cô giáo trẻ đang cắm bản. Họ chọn cách gửi tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình vào đá, để đưa con chữ tới những bản làng nằm sát tận trời. 

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top