Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cần “bà đỡ ” cho mỹ thuật Việt

Thứ Sáu 30/10/2020 | 11:18 GMT+7

VHO- “Thực tế hoạt động “giám tuyển” ở Việt Nam còn nhiều khó khăn khi chưa được nhìn nhận đúng mức, trong khi vai trò của đội ngũ này phải được coi là “bà đỡ”, “tổng công trình sư” cho ngành mỹ thuật”, đó là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam” vừa diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Các chuyên gia cho rằng thuật ngữ “giám tuyển” hiện được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, chưa thống nhất

Được biết, Hội thảo là một trong các nội dung thuộc đề án nghiên cứu của Bộ VHTTDL về công tác giám tuyển, do PGS.TS Hoàng Minh Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai làm chủ nhiệm.

Thiếu hụt trầm trọng đội ngũ giám tuyển nghệ thuật Việt Nam

Theo TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, hoạt động trưng bày mỹ thuật ở Việt Nam đang diễn ra rất sôi động, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là thiếu hụt đội ngũ giám tuyển (curator) nghệ thuật. “Công việc của một curator là mắt xích trung gian giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng. Curator có nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập thông tin của tác giả, tác phẩm để giới thiệu, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho người xem… Như vậy, curator là người chịu trách nhiệm tất cả các công đoạn của một cuộc triển lãm từ khi hình thành ý tưởng, chọn hiện vật, tác phẩm, tác giả, thiết kế trưng bày cho đến định hướng truyền thông tin tới công chúng và chăm sóc sau khi triển lãm khai trương”, bà Cao cho hay.

Là người hoạt động trong lĩnh vực curator thuộc thế hệ đầu tiên tại Việt Nam, bà Trần Thị Huỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật đương đại Không gian xanh chia sẻ: “Những ngày vào nghề cách đây 20 năm, chúng tôi phải tự mình vận động. Thời điểm đó, phần lớn các giám tuyển phải tự viết dự án và gửi tới các tổ chức nước ngoài để xin tài trợ. May mắn chúng tôi đã có được sự giúp đỡ từ các chuyên gia nước ngoài yêu nghệ thuật Việt Nam, từ đó khơi dậy động lực, hình thành được đội ngũ giám tuyển trong nước, tuy nhiên, vẫn chưa chuyên nghiệp”.

TS Từ Mạnh Lương, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Bộ VHTTDL khẳng định, giám tuyển mỹ thuật ở Việt Nam gần như chưa có, chưa được đào tạo bài bản, thậm chí khái niệm này cũng được hiểu theo nhiều nghĩa chưa thống nhất… “Chính những bất cập này đã dẫn tới lâu nay trong các triển lãm về điêu khắc, hội họa tại Việt Nam, dễ thấy tình trạng đề cương triển lãm chưa khoa học, nhiều cuộc triển lãm đặt tên rất “tối”, không hấp dẫn, không thu hút được công chúng”, TS Lương nói. Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên cho biết, trước đây hoạt động giám tuyển tồn tại ở các cuộc triển lãm dưới hình thức tập thể gọi là Hội đồng nghệ thuật. Nhưng điểm yếu cơ bản của cơ chế này là không ai đứng ra chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật, vì thế một số triển lãm còn có cả những sản phẩm kém chất lượng, sao chép ý tưởng của người khác...

Giới làm mỹ thuật tư nhân cũng đau đáu khi thiếu đội ngũ làm công tác giám tuyển khiến ngành mỹ thuật thời gian qua gần như “giậm chân tại chỗ”, trong khi các nước trong khu vực đã phát triển hơn ta rất nhiều. Nhà sưu tập Trương Văn Thuận, chủ Gallery Bình Minh (TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta đang bị “chia cắt” giữa sáng tác, phê bình mỹ thuật và thị trường công chúng. Các phòng tranh cũng không có mối liên kết nào với nhau. Người mua tranh không đủ trình độ để thẩm định, dẫn đến hiện tượng mua tranh bằng “tai”, hỏi chỗ này một chút, nghe chỗ kia một chút và dựa vào đó để định giá. Rồi cũng có hiện tượng mua bán không công khai, đến khi xảy ra sự cố thì mới vỡ ra”. Theo ông Thuận, bên cạnh sự thiếu hụt về đội ngũ thì phẩm chất người giám tuyển cũng cần phải bàn, có thể họ nói với người này thế này nhưng tư vấn người khác thế kia để nâng giá trị tác phẩm, do vậy, đòi hỏi các curator phải có đạo đức nghề nghiệp.

 Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nhận định hoạt động giám tuyển tồn tại dưới hình thức tập thể nên không ai đứng ra chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật

Đào tạo giám tuyển được không?

Nếu nói đội ngũ giám tuyển thiếu thì cũng không hẳn, bởi hiện có khá nhiều người đang tham gia công tác này, nhưng hầu hết chưa được đào tạo bài bản một cách khoa học. Bên cạnh đó, giám tuyển mỹ thuật tại Việt Nam dường như chỉ được coi là nghề tay trái, chưa được nhìn nhận đúng vai trò như một ngành nghề thực thụ. TS Mã Thanh Cao cho biết, hiện đa số curator Việt Nam xuất thân là nghệ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, nhà báo am hiểu nghệ thuật và rồi tự mày mò, đi lên bằng con đường tự học…

Theo TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cần phải đào tạo đội ngũ giám tuyển có chuyên môn sâu, am hiểu nhiều lĩnh vực trong cuộc sống đương đại, có lý luận, có khả năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ và phải có ý tưởng, biết định hướng cho các nghệ sĩ theo con đường nghệ thuật phù hợp với xu thế. NGƯT Nguyễn Trung Phan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ, yếu tố đầu tiên cần có của nhà giám tuyển là phông nền văn hóa. “Anh ta phải có kiến thức về lịch sử văn hóa bên cạnh kiến thức về mỹ thuật, đồng thời phải có thẩm mỹ, độc lập về nghệ thuật chứ nếu bị sức ép nọ kia thì tính khách quan, sáng tạo sẽ không còn nữa”, ông Phan nhận định.

Với thị trường nghệ thuật đa dạng, phức tạp như hiện nay, việc hình thành đội ngũ giám tuyển để đưa nghệ thuật nói chung cũng như mỹ thuật phát triển chuyên nghiệp là một nhu cầu vô cùng cần thiết, tuy nhiên, liệu câu chuyện đào tạo giám tuyển ở Việt Nam có phải là bài toán dễ dàng? Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên cho biết, ở Việt Nam hiện chưa có một cơ sở đào tạo mỹ thuật nào đảm nhận giáo dục chuyên ngành Giám tuyển. Năm 2011, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam có đưa Curator vào giảng dạy, nhưng chỉ ở cấp độ môn học. Còn theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM: “Với quan niệm đòi hỏi curator phải là người có bằng cấp cao, có “phông” văn hóa dày, am hiểu thị trường nghệ thuật, quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực, cùng với những tiêu chí về phẩm chất, có uy tín trong giới chuyên môn, có óc sáng tạo, sự nhạy bén trong kinh doanh, biết kết nối tài trợ, truyền thông quảng bá,… có thể nói curator còn hơn cả một chuyên gia thuần túy. Do vậy, nên chăng là các cơ sở đào tạo phối hợp với hệ thống bảo tàng, mời những chuyên gia có uy tín, có thực tiễn để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho những người đang làm công tác giám tuyển tại Việt Nam, lâu dần sẽ hình thành đội ngũ nhân lực giám tuyển”.

Theo giới chuyên môn, hoạt động giám tuyển ở Việt Nam còn rất mới mẻ, hoạt động chủ yếu ở các đơn vị ngoài công lập, còn mang tính tự phát, bán chuyên nghiệp, tuy lực lượng mỏng nhưng cũng đã thể hiện được vai trò của mình. Nhiều triển lãm, dự án công cộng đã đạt được hiệu quả, chất lượng nghệ thuật khi có sự xuất hiện, đóng góp của các nhà giám tuyển… Do đó, nếu có được hệ thống giám tuyển bài bản, chuyên nghiệp, thì đội ngũ này chính là “bà đỡ” tạo điều kiện cho mỹ thuật phát triển. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top