Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phương án thiết kế công trình bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao (Huế): Đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh, trước khi trùng tu di tích

Thứ Tư 04/11/2020 | 09:45 GMT+7

VHO_ Đó là ý kiến của lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội thảo góp ý phương án thiết kế công trình bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao, thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế.

 Lối vào di tích đàn Nam Giao

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, nhằm gìn giữ các yếu tố gốc, gia tăng tuổi thọ, tính bền vững công trình; phát huy giá trị di tích và đảm bảo an toàn theo Luật Di sản văn hóa.

Đàn Nam Giao nằm cách Kinh thành Huế khoảng 4km về phía nam, được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1806. Đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao Đàn, Trai Cung, Thần Trù và Thần Khố. Vào thời Nguyễn, đàn Nam Giao là nơi các vua tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hằng năm, riêng từ năm 1890 trở về sau thì cứ 3 năm cử hành một lần. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Giao triều Nguyễn là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới thời kỳ quân chủ, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đàn Nam Giao là công trình kiến trúc độc đáo, quan trọng của hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là đàn tế duy nhất còn tồn tại tương đối nguyên vẹn và có quy mô lớn nhất so với các đàn tế cổ ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Di tích này thể hiện nét độc đáo mang thông điệp văn hóa, tín ngưỡng riêng của người Việt. Tuy nhiên, trải quan thời gian hơn 200 năm, đàn Nam Giao đã bị hủy hoại khá nghiêm trọng. Năm 1993, di tích này được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) quản lý. Trong các năm 1994-1996, công trình này đã được trùng tu một số hạng mục; một số hạng mục khác tiếp tục được trùng tu những năm về sau, tuy nhiên công trình vẫn chưa được bảo tồn, trùng tu hoàn chỉnh.

 Cổng chính vào tham quan di tích đàn Nam Giao

Cùng với những tác động của thời gian và thiên tai, đàn Nam Giao bị xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 10.2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích đàn Nam Giao, giai đoạn 1”. Dự án có tổng kinh phí gần 24 tỉ đồng do Trung tâm làm chủ đầu tư và thực hiện trong vòng 5 năm. Theo quyết định được phê duyệt trong giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung tu bổ, bảo tồn công trình Trai Cung chính điện; hệ thống tường thành, cổng, sân nền khuôn viên Trai Cung và La Thành 2 mặt Đông và Tây; thiết kế hệ thống điện chiếu sáng và tôn tạo cảnh quan sân vườn nhằm phát huy giá trị di tích…

Để có cái nhìn sâu hơn về dự án, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo góp ý về phương án thiết kế thi công công trình dự án nói trên. Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các Sở, ngành liên quan. Nhiều ý kiến nhận xét hồ sơ dự án đã được xây dựng khá công phu, mang tính khoa học và tuân thủ các quy định về Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra các góp ý tâm huyết đến Trung tâm và đơn vị tư vấn cho dự án. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT cho rằng, La Thành và cổng phía Đông do chưa phát lộ được vị trí gốc của các hạng mục này nên chưa thể đưa vào dự án tu bổ giai đoạn 1. Bình phong phía Đông của di tích vẫn còn, vì vậy nên có hạng mục tu bổ, chỉnh trang hạng mục công trình này để định vị quy mô của di tích đàn Nam Giao. “Đề nghị UBND tỉnh bổ sung dự án điều chỉnh tuyến đường Tam Thai ra ngoài khu vực di tích đàn Nam Giao để có thể đưa hạng mục tu bổ, phục hồi La Thành và cổng phía Đông vào giai đoạn 2”, ông Nguyễn Xuân Hoa góp ý.

 Mặt bằng tổng thể hiện trạng di tích đàn Nam Giao Ảnh: TTBTDTCĐ Huế

Trước đó, Cục Di sản văn hóa (BộVHTTDL) đã có văn bản số 111/DSVH-DT gửi Trung tâm về thỏa thuận thiết kế bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1. Văn bản lưu ý, Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp thiết kế hàng rào và lối vào phía Đông (thuộc Giao đàn) di tích đàn Nam Giao; không phục hồi thích nghi tường La Thành phía Đông và cổng phía Đông theo mẫu tường vì hiện nay chưa phát lộ được vị trí gốc của các hạng mục này. Đồng thời yêu cầu Trung tâm bổ sung tư liệu củng cố cơ sở phục hồi bình phong tường thành nội và cổng hậu; bổ sung thiết kế nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích và chỉnh sửa thống nhất phương hướng tại các bản vẽ mặt bằng tổng thể.

Cũng tại hội thảo góp ý vừa qua, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến việc cần nghiên cứu thêm về bố trí nội thất tại Trai Cung, đảm bảo đầy đủ và chân xác của di tích và công năng của công trình. Chủ đầu tư cần xây dựng một dự án riêng để nghiên cứu về nội thất công trình, các hiện vật, tài liệu và phương án trưng bày, hệ thống bảng biển thuyết minh giới thiệu về công trình… nhằm tạo điều kiện khai thác, phát huy hiệu quả tốt nhất di tích đàn Nam Giao sau khi được trùng tu phục hồi. Ngoài ra, cần bổ sung phương án quy hoạch chi tiết hệ thống cảnh quan và cây xanh ở khu vực Trai Cung…

“Để hồ sơ dự án bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao đảm bảo tính khoa học, yêu cầu đơn vị tư vấn cần tiếp thu, bổ sung các nội dung góp ý của các nhà nghiên cứu để hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế thi công”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh. 

 Trung tâm có gây khó dễ cho phóng viên?

Trong nhiều ngày qua, phóng viên Văn Hóa đã liên hệ với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để được cung cấp thêm những thông tin liên quan đến dự án “Tu bổ, bảo tồn di tích đàn Nam Giao”. Qua điện thoại, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm, kiêm Trưởng ban Quản lý dự án “hứa” sẽ cung cấp thông tin vào ngày 3.11 cho phóng viên. Tuy nhiên khi gặp, ông Tuấn không cung cấp mà chỉ giải thích rằng, hiện các nội dung liên quan về phương án thiết kế thi công công trình đang trình Sở Xây dựng thẩm định, nếu cung cấp rồi sau này Sở có điều chỉnh gì thì sẽ không chính xác.

Phóng viên cũng xin cung cấp văn bản về quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin, nhưng ông Tuấn cũng không đồng ý và cho rằng, dù là văn bản công khai nhưng muốn cung cấp thì phải đúng “quy trình”. Nội dung “quy trình” mà ông Tuấn nhắc đến là cơ quan báo chí phải có văn bản (đóng dấu đỏ) gửi đến Trung tâm để được cung cấp văn bản.

 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top