Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội

Thứ Sáu 06/11/2020 | 21:35 GMT+7

VHO-Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội

Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm như nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19; mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; quản lý các công trình văn hóa tâm linh...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

Sáng 6.11, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) về quy định mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, hiện vẫn chưa thống nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ ban hành 2 thông tư hướng dẫn Luật Du lịch. Về mô hình quản lý khu du lịch, nội dung này chưa hoàn thành. Mô hình gắn với công tác quản lý và tổ chức bộ máy, tổ chức bộ máy không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đây là chỗ rất khó mà trong quá trình Bộ nghiên cứu, tham mưu, vừa rồi Bộ đã tổ chức các hội nghị hội thảo về các mô hình này, nơi thì là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, nơi thì thuộc huyện, nơi thì thuộc Sở VHTTDL… Theo tôi, Bộ trưởng Nội vụ rõ hơn về vấn đề này; còn tình hình thực tế tùy thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu và sớm nhất đầu năm sau sẽ có hướng dẫn và đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp giải quyết.

Chiều cùng ngày, trả lời về quản lý các công trình văn hóa tâm linh của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn tỉnh Tiền Giang), Bộ trưởng Bộ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Theo quy định hiện hành thì không có khái niệm khu du lịch tâm linh, tuy nhiên, có thể hiểu là khu du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Thời gian qua, các địa phương đã thu hút các doanh nghiệp có các sản phẩm như vậy. Hiện nay, mới có 6 khu du lịch quốc gia. Sáng nay tôi đã báo cáo là các mô hình quản lý, việc này hơi chậm, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ sớm ban hành mô hình quản lý. Về công khai minh bạch, thì phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Theo trách nhiệm quản lý, chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện việc công khai minh bạch này.

Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đề cập lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa phát triển. Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Quan tâm đầu tư bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch trong đó ưu tiên phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Du lịch Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019, hạ tầng phục vụ du lịch phát triển, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu. Riêng năm 2020 ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cần được quan tâm hỗ trợ để phục hồi và phát triển”.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả; công tác quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; khai thác quá mức tài nguyên du lịch; một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một”.

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời về các nhóm giải pháp để phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời về tiền lương, chế độ chính sách những gói hỗ trợ đồng bào bị bão lũ ở miền Trung, các giải pháp tạo việc làm cho công nhân lao động trong bối cảnh hiện nay, vấn đề liên thông trong công tác đào tạo nghề. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời câu hỏi của đại biểu về tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 56/2017/QH của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả; thực trạng và phương án sắp xếp, tinh giản biên chế đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay; về xã hội hóa các cảng hàng không, triển khai tiểu dự án đường sắt Bắc Ninh – Phả Lại. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trong việc tham mưu, tổng hợp giúp Chính phủ trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng chính phủ điện tử. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về quan điểm xây dựng thủy điện nhỏ và giải pháp hạn chế hậu quả thiên tai, tranh chấp đất đai, giải pháp thay thế chôn lấp rác thải. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về xử lý những nội dung nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em; tôn chỉ, mục đích của báo chí; tin sai, tin giả. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời  về tỷ lệ giải quyết đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các hành vi ngược đãi, xâm phạm quyền con người. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời về công tác thi hành án,theo dõi thi hành bản án hành chính, về tình trạng chồng chéo văn bản pháp luật, tình trạng chậm văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bộ trưởng Bộ Công an  về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vấn đề liên quan Luật An ninh mạng: Ngay sau Quốc hội thông qua Luật, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng…Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời về việc tạo điều kiện cho luật sư, về vấn đề thi hành án hành chính hiện nay.

Tại phiên chất vấn và trả lời chấn vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) về việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng quy định theo Luật Giáo dục đại học hay không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là một vấn đề được công luận rất quan tâm. Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất ở trường. Các chức danh lãnh đạo, bao gồm hiệu trưởng, do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp Trường đại học Tôn Đức Thắng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phê chuẩn. Như vậy, trong trường hợp nếu có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng là không đúng luật. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc thù do Hội đồng trường của Trường đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chậm trễ, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Đến thời điểm Ban Giám hiệu Trường đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm Hiệu trưởng, nhận kỷ luật về mặt Đảng thì Trường đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, phải vào cuộc và trực tiếp lập 1 đoàn do một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và làm việc trực tiếp để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Trước hết phải thành lập lại hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.

Trường đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, còn việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vắcxin phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay “bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt”. Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp. Đến nay, chúng ta đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch rất cao, phải kiểm soát rất chặt. Căn cơ hơn nữa ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế";  tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch.

“Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở như vậy phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm. Việt Nam vẫn yên bình như hôm nay thì phải chúng sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiên giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở… Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân.

Cuối phiên làm việc buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời, làm rõ thêm về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai.

Thứ hai, ngày 9.11, Quốc hội tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

T.QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top