Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020

Thứ Bảy 07/11/2020 | 08:30 GMT+7

VHO- Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 do Đại học RMIT khởi xướng vừa khai mạc tối 6.11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) nhằm tôn vinh tính sáng tạo và văn hóa nghệ thuật Việt. Dự lễ khai mạc có bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft;  Đại sứ Australia tại Việt Nam...

Các đại biểu cắt băng khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 

Từ ngày 7- 22.11, khách tham dự liên hoan có thể tham gia vào hàng loạt triển lãm, lớp học, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tài khác nhau, mà phần lớn trong số đó đều có thể truy cập trực tuyến.

Liên hoan năm nay chào đón sự trở lại của hai đơn vị đồng tổ chức là UNESCO và Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), cũng như đối tác mới - Tổ chức Sáng tạo bền vững COLAB Việt Nam do ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi sáng lập.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong công tác xây dựng và triển khai chính sách về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam. Sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 14.6.2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung nhằm: Phát triển 12 ngành văn hóa, sáng tạo Việt Nam trở thành những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân; đồng thời, đáp ứng được các nhu cầu về sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước; tiến tới xuất khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo có giá trị cao về kinh tế ra thị trường khu vực và thế giới; xác lập được thương hiệu sáng tạo của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT, GS. Julia Gaimster

“Những chuyển biến tích cực nêu trên nhằm tôn vinh và củng cố vai trò của văn hóa và sáng tạo đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước; ngoài ra nó còn thể hiện rõ sự cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước năm 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và tính tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc thích ứng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sáng tạo hiện nay trong khu vực và trên thế giới…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng bày tỏ, trong bối cảnh này,  hy vọng Liên hoan Thiết kế và Sáng tạo Việt Nam 2020 sẽ nhanh chóng trở thành một sự kiện có khả năng cố kết và huy động nguồn lực của nhiều tổ chức, cộng đồng và cá nhân sáng tạo lại với nhau trong một chuyển động chung cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành phố hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch hành động đặt ra trong Chiến lược, từ đó tạo ra được những tác động tích cực và bền vững hơn cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo Việt Nam trong những năm tới.  

Triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam của RMIT mang tên “Không Mây Không Mưa: Lưu giữ nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho tương lai”  còn có thể được thưởng lãm trực tuyến.

Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT, GS. Julia Gaimster nhấn mạnh vào sự cần thiết của liên hoan đối với giới nghệ sĩ và thế hệ trẻ Việt Nam. “Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Để cạnh tranh được trên trường quốc tế, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước”, GS. Gaimster nhận định.

Cũng theo GS. Gaimster, Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam nhằm chia sẻ để mọi người biết nhiều hơn về tài năng sáng tạo hiện có ở Việt Nam, đem nét văn hóa sáng tạo đầy sôi động của đất nước đến với bạn bè thế giới, cũng như tôn vinh và hỗ trợ các hoạt động đó.  Liên hoan cũng cho chúng ta cơ hội tôn vinh và giới thiệu các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa ở Việt Nam, đồng thời mang đến một kênh để doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo có thể hợp tác, kết nối và chia sẻ những cách làm hay nhất.  “Các ngành công nghiệp sáng tạo được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với phát triển kinh tế và cơ hội nghề nghiệp ở Việt Nam, vì những công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo là những công việc ít có khả năng bị thay thế bởi tự động hóa. Điều này mang lại cho các quốc gia có ngành công nghiệp sáng tạo mạnh lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu…”,  GS. Gaimster nhấn mạnh.

Tác phẩm “Âm vang IV” của nghệ sĩ Hà Trí Hiếu thuộc bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của Đại học RMIT được trưng bày tại triển lãm Không Mây Không Mưa

Trong khuôn khổ liên hoan lần này, Đại học RMIT còn tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật đương đại Việt Nam với tên gọi Không Mây Không Mưa: Lưu giữ nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho tương lai, trưng bày 30 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt và đem đến những góc nhìn mới mẻ về các vấn đề mà những nghệ sĩ trẻ quan tâm.

Theo TS. Emma Duester và cô Michal Teague, giám tuyển của triển lãm và là giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, triển lãm cho thấy vai trò của các bộ sưu tập nghệ thuật đối với việc gìn giữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cũng như mối tương quan giữa truyền thống và cuộc sống đô thị.

“Cụm từ ‘Không mây không mưa’ cho chúng ta liên tưởng đến một điều: nếu không có sự tồn tại của các di sản, hay quá khứ, thì cũng sẽ không có tương lai như cách một cơn mưa cần những đám mây vậy”, cô Teague chia sẻ.

TS. Duester cho biết: “Triển lãm này liên quan nhiều đến sự bảo tồn – không chỉ nghệ thuật, mà còn không gian của một thành phố cho các thế hệ tương lai”.

Triển lãm được đồng hành bởi lễ trao giải cuộc thi cảm nhận nghệ thuật, và tọa đàm về các yếu tố tác động lên nền nghệ thuật và văn hóa Việt Nam trong năm nay.

Tác phẩm “Tầm nhìn về thế giới tương lai” của Phạm Tuấn Kiệt - sinh viên Thiết kế (Truyền thông số) Đại học RMIT nằm trong triển lãm Impact.

Liên hoan cũng mời các nghệ sĩ Australia và Việt Nam cùng tham gia vào một triển lãm trực tuyến chung mang tên Đôi tay tài hoa, Văn hóa tương đồng do RMIT Gallery, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Vietcraft tổ chức.

Viện trưởng VICAS PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, triển lãm tôn vinh vai trò quan trọng của các hoạt động nghệ thuật, thủ công và thiết kế đối với việc thúc đẩy và duy trì sự phát triển của cộng đồng. Theo ông, liên hoan sẽ kết nối các nhà thiết kế, nghệ sĩ cũng như nghệ nhân Việt Nam và Australia cùng trao đổi kiến thức và giao lưu văn hóa.

Nhằm chuẩn bị sinh viên RMIT sẵn sàng cho cuộc sống và công việc, đồng thời tự tin trở thành những lãnh đạo tương lai cho Việt Nam, một số tác phẩm xuất sắc của sinh viên RMIT cũng sẽ được trưng bày trong buổi triển lãm trực tuyến mang tên Impact (Ấn tượng) thuộc khuôn khổ liên hoan lần này.

Xuyên suốt liên hoan, các bạn trẻ cũng có cơ hội thể hiện chính kiến và trao đổi những ý tưởng sáng tạo và bền vững qua cuộc thi trực tuyến “Việt Nam 2030: Tầm nhìn tương lai”.

Ngoài các hoạt động trực tuyến, công chúng đến với liên hoan có thể trực tiếp trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế, ghép tranh từ vải vụn, vẽ tranh sơn mài, cùng nhiều triển lãm và tọa đàm.

PHƯƠNG MAI

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top