Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khám phá những hiện vật đặc biệt tại trưng bày về Bãi Cọi

Thứ Năm 19/11/2020 | 09:43 GMT+7

VHO- Ngay sau lễ khai mạc diễn ra ngày 18.11.2020,  trưng bày chuyên đề Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thu hút đông đảo công chúng. Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở VHTTDL Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, nhân Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và cắt băng khai mạc trưng bày

Với gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trưng bày cung cấp những tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết: "Quá trình nghiên cứu khai quật Bãi Cọi phát hiện ra nhiều điều quan trọng, đặc biệt là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh mà lâu nay cho rằng  ở tỉnh Hà Tĩnh dấu ấn này dường như còn rất mờ nhạt. Hà Tĩnh là vùng đệm vùng giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh, bởi vậy đã tạo ra bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện qua những loại hình đồ táng, tùy táng và các di vật đi kèm. Thời gian tới, chúng tôi phải nghiên cứu thêm nội hàm văn hóa này nữa mới hiện diện đầy đủ và toàn diện. Sau trưng bày này, chúng tôi sẽ tiếp tục trưng bày tại Bảo tàng  Hà Tĩnh".

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, HàTĩnh) được phát hiện năm 1974, đến nay Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt thám sát và khai quật. Trải qua hơn ba thập kỷ bị “lãng quên”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã “đánh thức” cụm di tích Bãi Cọi bằng các cuộc khai quật khảo cổ. Năm 2012, trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học nhằm tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại Châu Á giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi một lần nữa được các chuyên gia khảo cổ của hai bảo tàng tổ chức khai quật quy mô lớn.

Gần 150 hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao đã được lựa chọn trưng bày

Từ kết quả của 3 lần khai quật, diện mạo di tích Bãi Cọi dần được hé mở, mang đến những thông tin mới trong việc tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn trong thời Sơ sử ở nước ta. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ VHTTDL đã ra quyết định công nhận di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích Quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đoàn, trong diện tích khoảng 150m2 của Phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử quốc gia, gần 150 hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao đã được lựa chọn trưng bày. Đây là khối lượng hiện vật rất đồ sộ. Trưng bày được kết cấu theo 3 phần: Bãi Cọi - Hành trình khám phá; Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa; Hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Tại trưng bày

Bãi Cọi - hành trình khám phá giới thiệu khái quát về quá trình nghiên cứu, khai quật Bãi Cọi, nhấn mạnh 3 lần khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì. Kết quả các cuộc khai quật làm sáng tỏ nhiều bí ẩn: Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung Bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn và văn hóa đồ sắt Trung Quốc. Hiện vật, tài liệu được đưa ra trưng bày phần này là những công cụ đá, bàn mài, gốm đáy nhọn, ảnh khai quật và một số bản đồ, bản vẽ…

Nội dung Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa giới thiệu những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật mộ táng tại di tích. Di tích Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với hai loại hình mộ chính là mộ huyệt đất và mộ chum được chôn xen kẽ. Hiện vật thu được qua các đợt nghiên cứu, khai quật chủ yếu nằm trong các mộ táng này. Căn cứ vào khối lượng di vật, tư liệu hiện biết, mộ chum - đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh có niên đại diễn biến từ sớm tới muộn; mộ huyệt đất - mang đặc điểm táng thức của văn hóa Đông Sơn có niên đại muộn hơn, nhiều trường hợp mộ huyệt đất đào cắt qua những mộ chum đã chôn trước đó.

Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và cả những hiện vật thuộc văn hóa đồ sắt Trung Quốc.

Các sưu tập hiện vật trưng bày gồm: sưu tập chum gốm mai táng, mộ huyệt đất và các sưu tập đồ tùy táng, đồ gốm, đồ kim loại, đồ sắt, đồ trang sức… giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cách thức mai táng, phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như đời sống sinh hoạt của cư dân Bãi Cọi đương thời.

Một nội dung quan trọng được thể hiện rõ nét tại trưng bày là câu chuyện hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

MAI PHƯƠNG; ảnh: QUANG TẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top