Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Mang con chữ​​​​​​​ đến với các em nhỏ Hrê

Thứ Sáu 20/11/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Với lòng yêu nghề và trái tim tràn đầy nhiệt huyết, cô giáo trẻ 9x đã và đang thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những em nhỏ Hrê, mang ánh sáng tri thức về với bản làng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho miền đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này.

 Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh cùng các học trò nhỏ của mình

 Đó là cô Đinh Thị Hồng Linh (sinh năm 1993, dân tộc Hrê) người đã gắn bó, chăm lo, dạy dỗ suốt 7 năm qua cho những mầm non của quê hương An Dũng, một xã nghèo của huyện An Lão (Bình Định).

Nuôi dưỡng ước mơ nghề giáo

Khi kể về hành trình trở thành một giáo viên, Hồng Linh vẫn không thể quên những năm tháng vất vả, khó khăn nhưng chứa đựng biết bao nhiệt tình của tuổi trẻ. Biết tin mình trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương I (Hà Nội), cô vui một nhưng lo mười, bởi một bên là đam mê cháy bỏng với nghề, bên còn lại là cảnh nhà còn nhiều khó khăn, cha mẹ vất vả, tần tảo nuôi dạy những 8 người con. Cuối cùng, sau nhiều lần bàn tính, bố mẹ Linh đã quyết tâm lo con gái được đi học, được theo đuổi ước mơ đã ấp ủ bấy lâu nay.

Hồng Linh luôn nỗ lực vượt qua những chật vật mưu sinh nơi thành phố, cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ. Càng học, cô gái trẻ càng thấm hơn những khó khăn của nghề. Không đơn giản khi những cô giáo mầm non tương lai chưa có gia đình, nhưng phải thực sự yêu quý trẻ, phải kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung như người mẹ hiền. Bao nhiêu lần tưởng chừng phải dừng lại nhưng rồi Hồng Linh cũng đã đi tới đích. “Nghĩ đến những đứa trẻ nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương, tôi thương đến đứt ruột và lấy đó làm động lực để cố gắng vươn lên”, cô xúc động chia sẻ.

Không như nhiều bạn trẻ lựa chọn lập nghiệp nơi thành phố, Hồng Linh lại chọn quay lại mảnh đất quê hương: “Ở làng, bạn bè hầu hết đều thoát ly đến các đô thị lớn sinh sống và làm việc, nhưng riêng mình lại muốn trở về. Ao ước của mình là ra trường được dạy dỗ cho các em trên chính quê và mong muốn các em lớn lên được có nghề nghiệp ổn định, có tri thức để thoát đói, thoát nghèo”. Thế rồi, thấm thoát 7 năm qua, Hồng Linh đã gắn bó với trường mẫu giáo An Dũng, mang con chữ đến với các em nhỏ dân tộc thiểu số Hrê.

 Với cô Linh, các em không chỉ là học trò mà còn là tương lai của quê hương

“Gieo” những con chữ đầu tiên

Từ năm 2013, Hồng Linh được Phòng GD&ĐT huyện An Lão bố trí công tác tại chính nơi cô sinh ra và lớn lên. Và từ đó, Hồng Linh được dạy những con chữ đầu tiên cho con em đồng bào mình, chính thức thực hiện tâm nguyện, dự định từ thuở còn thơ bé.

An Dũng là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, bà con chủ yếu làm nông, trình độ dân trí vẫn còn thấp. Thêm vào đó là địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi, giao thông đi lại không thuận tiện, mùa mưa, học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu. Những ngày nắng, con đường đến lớp dễ đi hơn một chút, nhưng khi mưa gió hay lũ về là cả một hành trình đầy gian nan đối với cả cô và trò. Để duy trì sĩ số lớp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh, khi nước lên, Linh cùng các thầy cô khác sẽ cõng từng em vượt qua sông, suối, đưa các em từ nhà tới trường và từ trường trở về nhà được an toàn nhất. Nhắc đến việc làm này, Linh cười: “Khi cõng các em trên lưng, mình luôn nghĩ đó không chỉ là những học trò nhỏ mà còn là tương lai của quê hương mình. Người dân ở đây thường phải đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà nên không đưa được các em đến trường, vì vậy, mình và các thầy, cô giáo sẽ vào tận nhà đón các em đến lớp và đến chiều sẽ đưa các em về”.

Hành động giản dị nhưng cao đẹp đó đã làm thay đổi nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh, họ dần hiểu được tầm quan trọng việc học chữ của trẻ, nhờ thế mà trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ đến trường ở độ tuổi mẫu giáo đã dần tăng lên. Từ lác đác vài học sinh cho tới nay là quy mô 15 giáo viên với 89 học trò nhỏ từ 3 - 5 tuổi, đây là sự cố gắng vượt bậc của cô Linh và Ban giám hiệu Trường mầm non An Dũng. Năm 2019, vì nằm trong dự án “Hồ chứa nước Đồng Mít”, Trường mầm non An Dũng được di dời và đầu tư xây mới về cơ sở vật chất. Cô Linh và các học trò nhỏ giờ đây cũng đã an tâm hơn trên con đường đi tìm cái chữ.

Song song với sự tận tâm, lòng yêu nghề, trong công tác giảng dạy, Hồng Linh luôn luôn sáng tạo, đổi mới, kết hợp giữa dạy chữ cùng với kỹ năng sống để phù hợp với các em nhỏ tại đây. Vì vậy, khi Linh tham gia các cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện cô đều đạt giải cao. Gần đây nhất, Đinh Thị Hồng Linh vinh dự là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, do TƯ Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các các giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Ẩn trong thân hình mảnh mai nhỏ bé ấy là những nỗ lực phi thường để ngày lại ngày, cô gái trẻ tiếp tục vun vén những con chữ cho thế hệ con em đồng bào Hrê trên mảnh đất An Dũng, chắp cánh cho các em biết vượt khó, hiếu học và trở thành nguồn lực quan trọng để mảnh đất này vươn lên phát triển trong tương lai. 

 Ở làng, bạn bè hầu hết đều thoát ly đến các đô thị lớn sinh sống và làm việc, nhưng riêng mình lại muốn trở về. Ao ước của mình là ra trường được dạy dỗ cho các em trên chính quê hương và mong muốn các em lớn lên được có nghề nghiệp ổn định, có tri thức để thoát đói, thoát nghèo.

(Cô giáo ĐINH THỊ HỒNG LINH)

BÁ TRƯỜNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top