Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch: Cần đề kháng với những rủi ro

Thứ Sáu 20/11/2020 | 11:35 GMT+7

VHO- “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, ngành Du lịch hiện nay chỉ trông chờ vào sự phục hồi của thị trường nội địa. Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

 Toàn cảnh Hội nghị Ảnh: TIỀN PHƯƠNG

 Hội nghị được tổ chức ngày 19.11 tại Hà Nội, với sự tham gia của 200 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch…

Chưa chạm được vào thị trường khách có chi tiêu cao

Trong những năm gần đây Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đột phá, liên tục trong nhiều năm đạt mức tăng trưởng rất cao. Từ năm 2015- 2019, tốc độ tăng trưởng lượng khách luôn đạt 2 con số, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới. Lượng khách nội địa cũng tăng trưởng nhanh chóng với những con số ấn tượng, bình quân 56%. Ngành Du lịch có đóng góp GDP quan trọng cho đất nước. Nếu dịch Covid-19 không xảy ra thì việc Du lịch đóng góp 10% GDP là khả quan. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 nhằm đưa ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác. Cùng với đó là 1 loạt mục tiêu đặt ra với nhiều tham vọng như: Đến năm 2025, Du lịch Việt Nam đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 120 triệu khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch 1.700-1.800 tỉ đồng, tương đương 77- 80 tỉ USD, đóng góp 12- 14% GDP. Đến năm 2030 Du lịch Việt Nam đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng 5- 6% năm; tổng thu từ du lịch đạt 3.200 nghìn tỉ đồng, tương đương 130- 135 tỉ USD, đóng góp 15% GDP.

“Trong năm nay, khách quốc tế sẽ sụt giảm khoảng 80%, nội địa sụt giảm 50%, tổng thiệt hại của ngành du lịch 23 tỉ USD, trong đó 16 tỉ USD thu từ khách quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành Du lịch nhưng cũng gợi mở cho chúng ta nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn trước mắt và phục hồi thời gian tới; chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế sắp tới. Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị Cơ cấu lại thị trường khách du lịch nhằm nhìn nhận lại Du lịch Việt Nam thời gian vừa qua, cơ hội và thách thức gì, giải pháp nào để phục hồi du lịch?”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

“Thời gian tới thị trường Du lịch Việt Nam sẽ ra sao? Mở ra cơ hội trong tương lai cần đánh giá lại, cơ cấu lại thị trường khách như thế nào...? Hiện nay thị trường khách quốc tế chính của chúng ta là Đông Bắc Á, chiếm 68%. Có nhiều điểm đến mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới nhưng hạn chế của Du lịch Việt Nam là nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác”, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói. Ông Siêu cũng dẫn ví dụ, theo thống kê gần nhất, khách quốc tế đến Việt Nam trung bình lưu trú 8,1 ngày, chi tiêu trung bình 1.074 USD. Trong khi đó, khách quốc tế đến Thái Lan lưu trú trung bình 9 ngày chi 1.500 USD. Những con số này cho thấy lượng khách quốc tế chi tiêu thấp ở Việt Nam và chúng ta chưa chạm được vào những khách du lịch quốc tế có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.

Thay đổi theo nhu cầu của khách

Khách đã thay đổi nhu cầu, mang tính chuyên biệt cao hơn, có những khách thiên về văn hóa, chơi golf, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên… Chiến lược du lịch Việt Nam cũng cần tập trung vào những biến động của thị trường và nhu cầu của khách. Quan trọng nhất là có những phương án chủ động, đề kháng được những biến động, thay đổi phù hợp với thị trường. “Chính vì thế, Tổng cục Du lịch cần xác định những thị trường khách chính của Du lịch Việt Nam. Những chính sách để chuyển đổi cơ cấu, tạo thuận lợi để tiếp cận điểm đến, thu hút khách, phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch biển, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới… Công tác xúc tiến quảng bá cũng cần có những thay đổi cho phù hợp, hiệu quả. Vì thế, cần xác định rõ thị trường mục tiêu, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Trước mắt là số hóa các tài nguyên du lịch, hình thành dữ liệu lớn về du lịch (big data). Tăng cường thu hút đầu tư, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp...”, ông Siêu cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới. Mục tiêu của cơ cấu lại thị trường du lịch là đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.

Tổng cục Du lịch đề xuất việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch tập trung vào một số giải pháp về nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch; về cơ chế chính sách; về xúc tiến quảng bá; chuyển đổi số trong phát triển thị trường khách du lịch; tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng sang cơ cấu thị trường mới. “Nếu chủ động, liên kết, ứng dụng công nghệ tốt, tận dụng được cơ hội để phát triển, chúng ta có thể vượt lên những người khổng lồ trong làng du lịch thế giới”, ông Hà Văn Siêu nói. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top