Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thể thao Việt Nam không thể chần chừ được nữa mà hành động ngay, phải tuyên chiến với doping

Thứ Năm 26/11/2020 | 13:04 GMT+7

VHO-Phát biểu khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Uỷ ban Olympic Việt Nam lần thứ 8 khoá V, Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Chủ tịch Olympic Việt Nam nhấn mạnh, mười tháng đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động thể thao bị trì hoãn nhưng Uỷ ban Olympic Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, tổ chức thể thao quốc tế triển khia hiệu quả nhiều chương trình hoạt động thể thao, đóng góp tích cực vào việc phát triển phong trào Olympic Việt Nam.

Tổ chức thành công nhiều hoạt động thể thao cho mọi người

Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19 nhưng cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân cả nước, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình, hoạt động thể thao cho mọi người vì mục tiêu góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đó là việc xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào thiếu nhi, học sinh tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2020, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước trẻ em; tổ chức lớp tập huấn và triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2020; tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho hướng dãn viên cơ sở 14 tỉnh thành phía Bắc về chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, tại Vĩnh Phúc; tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2020 đã được phát động tại TP.HCM vào tháng 9.2020 với sự tham gia của hơn 32.000 người đủ mọi lứa tuổi…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định quyết tâm vì một nền thể thao sạch và đẹp

Về thể thao thành tích cao, theo Tổng Thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã phối hợp chuẩn bị các công tác tham dự vòng loại Olympic Tokyo 2020. Hiện Việt Nam đã giành được 5 vé tham dự Đại hội ở 4 môn là Bắn cung, Thể dục, Quyền Anh và Bơi. Hiện các VĐV đang tích cực tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG để chuẩn bị cho các cuộc thi đấu vòng loại nhằm lấy vé dự Olympic. Ngoài ra Uỷ ban Olympic Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho Paralympic và đặc biệt là công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11, tổ chức vào năm 2021 tại Việt Nam.

Nhiều hoạt động thể thao cho mọi người đã được thể thao Việt Nam tổ chức thành công

Cụ thể là việc phối hợp với các đơn vị kiểm tra các địa điểm, cơ sở vật chất tại Hà Nội và một số địa phương lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Nam Định, Hài Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình; phối hợp xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra doping tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; phối hợp dự thảo nhân dự Trung tâm Điều hành và các Tiểu ban BTC SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị SEAGF lần thứ nhất, lần thứ hai…

Trong 2 tháng cuối năm, TTK Trần Văn Mạnh cho biết, Uỷ ban Olympic sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhất là chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Thể thao Việt Nam đang chờ các cuộc thi đấu để lấy chuẩn Olympic

Báo cáo trước Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, trong năm 2021, Thể thao Việt Nam sẽ phải chuẩn bị cho nhiều đại hội lớn, trong đó trọng tâm là Olympic và SEA Games 31.

Mục tiêu của Thể thao Việt Nam tại Olympic lần này là phấn đấu có khoảng trên 20 VĐV vượt qua vòng loại, chỉ tiêu đặt ra phấn đấu có huy chương. Vì vậy ngoài 5 VĐV đã vượt qua vòng loại, Thể thao VN còn 12 môn Olympic tiếp tục thi đấu nhằm đạt chuẩn qua các vòng loại. Đó là các môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Thể dục, Taekwondo, Karratedo, Xe đạp, Cầu lông, Rowing, Canoeing, Đấu kiếm, Bắn cung, Judo, Vật, Bóng đá… Tuy nhiên theo ông Trần Đức Phấn, do dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể để tổ chức các cuộc thi đấu vòng loại Olympic. “Dù thời gian từ nay cho đến ngày khai mạc Olympic không còn dài nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên việc chuẩn bị cho Olympic Tokyo còn nhiều khó khăn. BTC vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho các cuộc thi đấu vòng loại cũng như các phương án phòng chống dịch bệnh vẫn chưa biết phải theo hướng nào, dù Nhật Bản rất quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội thành công. Vì thế tinh thần của các đội tuyển Việt Nam là dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng luôn chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc thi đấu vòng loại”, ông Trần Đức Phấn khẳng định.

Về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, ông Phấn cho biết tại phiên họp của Hội nghị Liên đoàn Thể thao ĐNÁ lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Bộ VHTTDL, nước chủ nhà Việt Nam đã thông báo với các nước về dự kiến tổ chức 40 môn thi đấu với 522 nội dung thi đấu. Về cơ bản các nước đồng tình với thông báo của nước chủ nhà Việt Nam và chỉ đề xuất tổ chức thêm một số môn thi đấu. Ngoài Olympic và SEA Games, trong năm 2021, thể thao Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á, Đại hội thể thao trẻ châu Á, Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á…

Vì một nền thể thao sạch và đẹp

Ngoài việc họp bàn, đề ra giải pháp cho những nhiệm vụ quan trọng của thể thao Việt Nam, Hội nghị Ban thường vụ của Uỷ ban Olympic Việt Nam còn đề cập đến nhiều vấn đề nóng của thể thao Việt Nam. Đề cập đến án phạt cấm thi đấu 4 năm đối với 2 VĐV Cử tạ Việt Nam vừa bị phát hiện dương tính với doping, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo, việc VĐV bị dương tính với doping không chỉ đơn thuần là câu chuyện của riêng thể thao nữa, đó là câu chuyện liên quan đến uy tín, danh dự của đất nước. Bài học của Điền kinh Nga bị loại khỏi Olympic là rất đau xót cho một đất nước vĩ đại, một nền thể thao lớn.

Hội nghị đã "nóng" với câu chuyện về doping trong thể thao

“Vì thế Thể thao Việt Nam không thể chần chừ được nữa mà phải hành động ngay, phải tuyên chiến với doping. Không thể vì những vụ việc như này mà ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một nền thể thao đang nỗ lực cùng cả nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngay cả những chiếc huy chương cao quý nhất như HCV Olympic nhưng nếu bị phát hiện dương tính với doping thì cũng chẳng còn giá trị gì. Thể thao Việt Nam phải sạch và đẹp, phải phát triển bền vững chứ không thể tì vết vì những án phạt doping như thế này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh và yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của các HLV cũng như có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các cá nhân liên quan đến việc VĐV bị dương tính với doping trong quá trình tập luyện và thi đấu. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam cũng phải tiến hành hàng loạt giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ của các HLV, VĐV; thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm doping; đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc với các cá nhân vi phạm...

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN - QUYẾT THẮNG 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top