Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Đầu tư cho văn hóa phải ưu tiên hàng đầu

Thứ Hai 07/12/2020 | 10:21 GMT+7

VHO-  Chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức vào sáng qua 6.12 với chủ đề “Thiết chế văn hóa trên địa bàn TP: Thực trạng và giải pháp”, đã một lần nữa khẳng định hệ thống các thiết chế văn hóa - TDTT tại TP.HCM vẫn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, vấn đề đầu tư của TP còn chưa thực sự xứng tầm.

 Chương trình “Lắng nghe và trao đổi” cuối cùng của năm 2020 đã chọn chủ đề về đầu tư cho thiết chế văn hóa

Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tri thức, không chỉ của cả nước mà còn cả khu vực, nhiều năm qua, TP.HCM đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong gìn giữ, phát triển các thiết chế văn hóa, do vậy cần có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ.

Xác định điểm nghẽn để khơi thông

Mới đây, ba trong số các dự án văn hóa - TDTT đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư và dự kiến khởi công trong năm nay, là dự án Bảo tàng Tôn Đức Thắng, dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM… Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho hay, trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ Covid-19, thế nhưng để thực hiện chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, ngay từ đầu năm 2020, UBND TP đã xây dựng được kế hoạch chi tiết triển khai chủ đề năm với hơn 50 đầu việc, trước mắt và tầm chiến lược lâu dài, trong đó có nội dung tầm nhìn tới năm 2030. Cũng trong năm 2020, TP đã triển khai 9 dự án trọng điểm ngành văn hóa - TDTT. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống các thiết chế văn hóa tại TP.HCM vẫn bộc lộ một số mặt hạn chế. Trên địa bàn TP hiện nay hệ thống cơ sở vật chất các cấp dần xuống thấp, nhiều đơn vị nghệ thuật không có cơ ngơi đúng chuẩn để phát huy hiệu quả hoạt động, thiếu trang thiết bị và đội ngũ cán bộ có năng lực, hoạt động quản lý của cơ quan chức năng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ông Phong cho biết thêm, công tác giám sát thời gian qua đã thấy rằng đang có sự chênh lệch về cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa, thể thao cho bà con giữa các quận nội thành với huyện ngoại thành.

Cụ thể, về thực trạng và khó khăn của các thiết chế văn hóa, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết, qua giám sát cho thấy thiết chế văn hóa trên địa bàn TP đang quản lý chủ yếu là những công trình được xây dựng từ hơn chục năm qua với số lượng các công trình văn hóa - TDTT tính trên đầu người của TP.HCM là thấp nhất trong các TP trực thuộc trung ương (tỉ lệ khoảng 1,5 công trình/vạn dân). Bên cạnh đó, nguồn tài chính, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này thời gian qua chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và vị trí đặc biệt của TP. Theo ông Đạt, cơ sở vật chất của ngành văn hóa hiện nay, phần lớn chưa được nâng cấp, quy chuẩn hoạt động theo đảm bảo ngành chưa đủ. Một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô rất nhỏ và kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng. TP hiện chưa có một trung tâm văn hóa hay một khu liên hợp TDTT đạt chuẩn để có thể tổ chức chương trình quy mô lớn theo hướng hội nhập quốc tế. Các năm qua, việc đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa chưa đạt mong đợi người dân, đặc biệt công trình văn hóa nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức, trong đó các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm thực hiện. Một số cơ sở văn hóa sử dụng sai mục đích, chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, cơ sở pháp lý để triển khai cho việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa còn nhiều bất cập, rất khó để triển khai. Cơ chế, chính sách để thực hiện đào tạo nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn…

Lâu rồi, TP.HCM không có công trình văn hóa - thể thao nào

Trăn trở với các thiết chế TDTT, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành bày tỏ, “năm 2003 chúng ta tổ chức SEA Games, cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, tuy nhiên cho đến nay những công trình này đã xuống cấp. Trong khi hàng loạt dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai như Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc (Quận 2) đã khiến TP bỏ lỡ cơ hội đăng cai các giải thi đấu lớn và rất nhiều sự kiện TDTT, như năm sau Việt Nam tổ chức SEA Games thì TP.HCM hoàn toàn không có tham gia đóng góp gì trong sự kiện này”. Trao đổi lại với ông Thành xung quanh tâm tư này, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTT nói: “Đúng là từ sau SEA Games 2003 đến nay, TP không có thêm công trình TDTT nào nữa, còn công trình văn hóa cũng tương tự vậy, từ lâu lắm rồi TP.HCM không có đầu tư… Hiện chúng tôi đang quan tâm đặc biệt đến Sân vận động Thống Nhất, công trình này đến nay đã trên 80 tuổi, mặc dù đã cải tạo sửa chữa nhiều lần nhưng tính an toàn không cao, chúng tôi đang tính toán nâng cấp. Ý kiến của anh Lâm Quang Thành chúng tôi ghi nhận và sẽ có tham mưu”, ông Hùng khẳng định.

Bày tỏ quan điểm về vai trò của thiết chế văn hóa, PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng, phải khẳng định TP.HCM có vai trò là đầu tàu trong lĩnh vực kinh tế của cả nước, còn có phải là đầu tàu trong lĩnh vực văn hóa hay không thì chưa khẳng định được. Điều này có thể trong mấy mươi năm trước chúng ta chú trọng phát triển về công nghiệp, đô thị mà chưa chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa. Các quận, huyện vùng ven và ngoại thành quy hoạch rất nhiều khu công nghiệp, khu dân cư nhưng các thiết chế văn hóa lại không được chuẩn bị cho lượng di dân lớn như hiện nay. Trong khi không phát triển thêm mà lại làm mất đi các thiết chế văn hóa truyền thống đã được hình thành từ xa xưa như đình chùa miếu mạo trong quá trình quy hoạch đã bị di dời, mất đi… Theo ông Nhân, vào những năm đầu thế kỷ XX, Sài Gòn lúc đó chưa đến 1 triệu dân, nhưng đã được đầu tư Nhà hát Lớn TP, một thiết chế văn hóa quy mô nhất cho đến hôm nay, rồi Bảo tàng Lịch sử TP, Sân vận động Thống Nhất, các khu công viên, Thảo cầm viên,… đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Như vậy để thấy rằng, sự đầu tư cho văn hóa - thể thao phải được ưu tiên đi đầu chứ không chỉ đi cùng với kinh tế, đó là những điều chúng ta phải ghi nhận lịch sử và các thế hệ đi trước đã quan tâm đến văn hóa như thế nào. “Đầu tư cho kinh tế, như xây dựng một khu đô thị có thể nhìn thấy cái lợi vật chất trước mắt, còn đầu tư cho văn hóa thì có thể không thấy được cái lợi ngay, nhưng nếu không đầu tư thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được. Nếu các thế hệ đi trước họ không đầu tư cho các công trình văn hóa thì ngày nay chúng ta đâu có để sử dụng, để tự hào”, ông Nhân bày tỏ.

Phát biểu kết luận chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay, lãnh đạo TP trân trọng những ý kiến đóng góp và sẽ giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tham mưu nhằm cụ thể hóa thành các chính sách, quy định cụ thể phục vụ cho sự phát triển văn hóa - thể thao TP trong thời gian tới. 

ANH HUY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top