Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế: Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện

Thứ Sáu 11/12/2020 | 11:26 GMT+7

VHO- Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất với đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, qua đó, giúp mở ra cơ hội cho nhiều dự án trùng tu, bảo tồn di tích nằm trong quy hoạch nhưng chưa được giao nguồn vốn triển khai.

Khu di sản Hoàng cung Huế

 Đề án nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 7.6.2010. Đây là cơ sở để triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Cố đô Huế xứng tầm Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, việc giao kế hoạch vốn hằng năm để thực hiện các dự án đã được xác định trong quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi giai đoạn của quy hoạch chỉ xác định đến năm 2020. Do đó, theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai mới một số dự án đã được xác định trong quy hoạch (giai đoạn 2010-2020) là không đủ cơ sở pháp lý.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 15.5.2020 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, tỉnh này cũng đang lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Cố đô Huế thời kỳ 2021-2030 (đây là nội dung được tích hợp vào quy hoạch tỉnh và là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan lập quy hoạch triển khai đồng thời lập các quy hoạch đảm bảo tính kế thừa, thống nhất và đồng bộ các loại quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16.8.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháng 5.2020 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Có 24 nội dung được đưa ra tham vấn ý kiến cộng đồng. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm cho biết, sau khi lấy ý kiến của cộng đồng, nội dung của Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang tiếp tục trình lấy ý kiến các cấp, ngành ở tỉnh. Sau khi UBND tỉnh thống nhất sẽ trình các cấp Trung ương xem xét và phê duyệt, rồi mới tiến hành lập quy hoạch.

 Nhóm chuyên gia người Đức hỗ trợ công tác tu bổ ở Điện Phụng Tiên, Hoàng cung Huế

Theo Bộ KH&ĐT, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030 cũng đang trong quá trình lập, chưa hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Do đó, để có đủ căn cứ pháp lý triển khai các dự án về bảo tồn, tôn tạo Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2021-2025 theo nội dung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 818/QĐ-TTg, Bộ KH&ĐT thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án đã được duyệt tại quyết định số 818/QĐ-TTg. Điều này căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20.11.2018 của Quốc hội và việc kéo dài này được thực hiện cho đến khi quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Cố đô Huế thời kỳ 2021-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 nhằm đảm bảo căn cứ pháp lý trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đối với các dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi tôn tạo các công trình di tích trên cơ sở hiện trạng gốc đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Các dự án này đã được phê duyệt trong quy hoạch giai đoạn 2010-2020 và cũng sẽ được tiếp tục quy hoạch trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, dự án Di dời, giải tỏa hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế đang được triển khai giai đoạn 2 rất cần thiết để tu bổ kịp thời các công trình di tích xuống cấp vừa được giải tỏa và chống tái lấn chiếm cũng như đảm bảo kết nối hạ tầng các khu vực đồng bộ… 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top