Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Cần quản lý chặt chẽ phim trên môi trường mạng

Thứ Hai 14/12/2020 | 13:45 GMT+7

VHO - Đó là một trong các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - khu vực phía Nam, diễn ra tại TP.HCM vào sáng 14.12. Tại đây, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến tính khả thi của các quy định tại dự thảo và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Trải qua 14 năm (2006 - 2020) thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của điện ảnh. Minh chứng là số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, năm 2019 trở thành năm có doanh thu phim Việt cao nhất, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và không còn phù hợp. Đặc biệt, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Cùng với đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình nhiều bước, gây mất thời gian cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất… Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành khẳng định: “Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành báo cáo đề dẫn tại Hội nghị


Chính vì vậy, năm 2019, Bộ VHTTDL đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua với 4 chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, các nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyên khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến. Quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai và xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng từ các vị đại biểu, Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến, đóng góp thực tế và có giá trị.

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại TP.HCM


Theo PGĐ Sở VHTT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy: “Có thể thấy, trong thời gian qua TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc trong điện ảnh, từ số lượng cho đến chất lượng. Chính vì thế, thành phố cần được phân cấp thẩm quyền phê duyệt phim truyện, để phim ảnh được phát triển xứng tầm”. Bởi với số lượng phim sản xuất và nhập khẩu như hiện nay thì TP.HCM có thể tự mình lập hội đồng cấp giấy phép phổ biến phim, điều này giúp Cục Điện ảnh giảm tải lượng công việc, nhất là khi ngày một nhiều dự án phim có yếu tố hợp tác nước ngoài, vốn nước ngoài tăng lên.

PGĐ Sở VHTT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng: “Cần phân cấp thẩm quyền phê duyệt phim truyện cho các địa phương”


Phim ảnh từ lâu đã trở thành một hình thức giải trí đắt giá, vì ngoài vai trò giải trí, phim ảnh còn mang tính thông tin, giáo dục rất quan trọng. Chính vì thế, nhiều đại biểu đã nhất trí với điều khoản liên quan đến “Những nội dung bị cấm trong hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim”. Theo diễn viên - NSX Trương Ngọc Ánh: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà tất cả mọi người dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ trên mạng Internet mỗi ngày thì việc kiểm duyệt chặt chẽ, xem xét, nghiêm cấm khi cần thiết là việc nên làm để tránh gây hiểu nhầm cho khán giả về các thông tin, thông điệp được truyền tải.” Cùng với đó, bà Trường Ngọc Ánh cũng đưa ra kiến nghị về việc “phổ biến phim trên môi trường mạng”, khi mà phim điện ảnh thường bị kiểm duyệt với yêu cầu gắt gao, triệt để thì phim ở nhiều trang mạng lại thoải mái, dễ dàng công chiếu. “Kính mong Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh bên cạnh việc xem xét, quản lý chặt chẽ, cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất phim nhằm tạo sự cân bằng đối với các hình thức tiếp cận khán giả của ngành phim ảnh”, bà Trương Ngọc Ánh chia sẻ.

Diễn viên - NSX Trương Ngọc Ánh bày tỏ nhiều trăn trở  để xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)


Nhìn vào thực tế sản xuất phim của những năm gần đây và dự báo xu thế phát triển trong tương lai, sẽ thấy rằng các phim có yếu tố hợp tác sản xuất với nước ngoài, có vốn nước ngoài đang ngày càng tăng lên. Nhưng, nếu vẫn giữ nguyên những quy định về trình tự cấp phép như hiện nay, thì sẽ tạo nên “gánh nặng” cho Cục Điện ảnh và Bộ VHTTDL trong việc thẩm định cấp phép sản xuất. Chưa kể, nếu áp dụng luật này thì các hãng phim lớn của nước ngoài cũng không mấy “hào hứng” sản xuất phim ở Việt Nam, khi thủ tục quá rối rắm, mất thời gian. “Thực tế, trong khoảng 15 năm lại nay, đã không ít phim nước ngoài lên kế hoạch quay ở Việt Nam, cuối cùng vì thủ tục rờm rà đã chuyển sang các nước Đông Nam Á khác, nơi họ được chăm sóc nhiệt tình và được hưởng nhiều ưu đãi”, đạo diễn Phan Đăng Di trăn trở.
Theo Đại diện CJ CGV Việt Nam, Dự thảo không quy định ràng buộc cơ sở điện ảnh tham gia sản xuất phim, cơ sở điện ảnh tham gia phát hành phim phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, Điều 16 khoản 2 điểm c quy định cụ thể cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nếu nhìn nhận đây là khoản đóng góp vào quỹ thì phải mang tính tự nguyên và tất cả doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh đều phải góp quỹ. Còn nếu nhìn nhìn nhận đây là một loại thuế áp dụng riêng cho cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim thì cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn.
Hội nghị - Hội thảo đã diễn ra hết sức sôi nổi, khi thu về hàng chục ý kiến và tham luận đến từ các nhà sản xuất, đạo diễn, các chuyên gia… Kết thúc Hội nghị - Hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiến hành đăng tải dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, Trang thông tin điện tử của Cục Điện ảnh trong 60 ngày theo quy định để lấy ý kiến rộng rãi; Gửi Công văn xin ý kiến các Bộ, ban, ngành và các đối tượng chịu tác động của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).”

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đón góp ý kiến

 

HỒNG HẠNH - ẢNH THÙY TRANG
 

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top