Hội thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc 2020: Đào tạo ở địa phương là sự sống còn của nghệ thuật

VHO- Thời gian qua, công tác đào tạo VHNT ở địa phương đã giữ vững định hướng của Bộ VHTTDL, vừa bảo tồn vốn văn hóa dân tộc, vừa phát huy điểm mới trong dòng chảy hiện đại. Dù trong bối cảnh và điều kiện khó khăn do dịch bệnh, song các đoàn đã mang đến Hội thi những sắc màu văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú, đa dạng nền nghệ thuật nước nhà.

Hội thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc 2020: Đào tạo ở địa phương là sự sống còn của nghệ thuật - Anh 1

 Một tiết mục dự thi của Nhạc viện TP.HCM

 Trải qua 5 ngày thi tài, 185 tiết mục của 24 cơ sở đào tạo VHNT trong toàn quốc đã để lại nhiều dấu ấn khó phai, đặc biệt, bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền từ vùng Tây Bắc đến đồng bằng Nam Bộ đã được phô diễn, thể hiện rất rõ nét.

Những tiết mục đậm chất truyền thống

Em Thào Thị Mênh (17 tuổi), đang theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ cảm xúc vui mừng, háo hức khi được tham gia Hội thi: “Em được giao lưu, học hỏi và cọ xát kinh nghiệm từ các thí sinh của các cơ sở đào tạo khắp cả nước, tiếp xúc với nhiều cái mới mẻ ở môi trường nghệ thuật rộng lớn hơn sẽ giúp em hoàn thiện bản thân mình”. Là địa phương ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La mang đến Hội thi chương trình Hương sắc vùng cao với nhiều tiết mục hấp dẫn, đó là điệu múa Đêm trăng của dân tộc Thái, hát Trêu gái xúc cá, múa Thấp thoáng sườn non của dân tộc Mông, Rừng thiêng của dân tộc Dao…

Ông Trần Văn Quang, Trưởng đoàn Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Từ khi Hội thi Tài năng trẻ của Bộ VHTTDL tổ chức, Trường chưa lần nào vắng mặt. Các cuộc thi đã giúp cho các em tích lũy, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ những cơ sở đào tạo VHNT hàng đầu như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Học viện Múa Việt Nam… Qua đó, bồi đắp thêm niềm đam mê, động lực để các em tiếp tục phấn đấu trên con đường nghệ thuật. Theo ông Quang, trong nhiều năm qua, việc tuyển sinh các ngành văn hóa nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, song cơ sở đào tạo này luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. “Sơn La là địa phương rất đam mê về nghệ thuật dân tộc, toàn tỉnh có hơn 3.000 đội văn nghệ ở cơ sở. Các em sau khi ra trường, ngoài hoạt động biểu diễn ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thì cũng làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương”, ông Trần Văn Quang nói.

Trường Trung cấp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mang đến những tiết mục đậm chất truyền thống Huế như hòa tấu dàn nhạc Tứ đại cảnh, hát ca Huế Hò mái nhì - Nam bình Nước non ngàn dặm, độc tấu đàn tranh Mùa thu quê hương… và ấn tượng nhất là trích đoạn ca kịch Huế Bạch Viên - Tôn Cát. Ở bậc đại học, nhiều cơ sở đào tạo hàng đầu về VHNT đã có nhiều tiết mục trình diễn xuất sắc, khẳng định thương hiệu và thế mạnh của mình.

Hội thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc 2020: Đào tạo ở địa phương là sự sống còn của nghệ thuật - Anh 2

 Múa “Thấp thoáng sườn non” dân tộc Mông của đoàn Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La

Nỗ lực đào tạo và bảo tồn nghệ thuật dân tộc

GS.TS.NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo hội thi nhận định: Hầu hết các trường VHNT trong toàn quốc đã giữ vững được định hướng đào tạo VHNT của Bộ VHTTDL. Vừa bảo tồn văn hóa dân tộc vừa phát huy những điểm mới, hiện đại, màu sắc trong đời sống mới. Mỗi một tỉnh đều mang đến một bản sắc văn hóa âm nhạc của từng địa phương nên rất phong phú: Chèo, Cải lương, Ca Huế, kịch nói, kịch hát, nhạc cổ điển, thanh nhạc… Qua hội thi, đã xuất hiện những năng khiếu, gương mặt tài năng trẻ rất xuất sắc.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn trong công tác tuyển sinh, song nhiều cơ sở đào tạo VHNT đã nỗ lực để đào tạo và bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Vấn đề cần thiết nhất hiện nay chính là các chính sách, điều kiện cho các trường phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

“Việc đào tạo VHNT của các địa phương là sự sống còn của nền nghệ thuật Việt Nam, bởi học sinh sinh viên chính là những hạt nhân tiếp tục giữ gìn vốn văn hóa bản sắc riêng của từng địa phương, vùng miền. Trong chiến lược, phải tìm phương thức để đào tạo tài năng VHNT từ lứa tuổi trẻ, phải có chính sách đầu tư, hỗ trợ để các em yên tâm thi vào và theo học các ngành nghệ thuật truyền thống. Không đầu tư vào đấy thì sau thời gian không lâu nữa chúng ta sẽ mất nguồn văn hóa rất lớn, nguồn nhân lực cổ truyền, truyền thống. Chính các trường địa phương là nơi giữ gìn văn hóa cổ truyền”, GS. TS Ngô Văn Thành nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho biết: Công tác đào tạo tài năng trẻ lĩnh vực VHNT đang được Nhà nước quan tâm, với nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đào tạo trong nước cũng như nước ngoài, thông qua các Đề án 1341, Đề án 1437 của Chính phủ, Quyết định 41/2014/QĐ-TTg, Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Năm 2019, Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL triển khai kế hoạch Đề án 300 chỉ tiêu. Đây là đề án đặt hàng đào tạo 300 học viên thuộc một số ngành, chuyên ngành VHNT đặc thù, truyền thống khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực, do ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí đào tạo.

“Qua hội thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc, chúng tôi muốn đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các cơ sở đào tạo, các học sinh, sinh viên để các em trau dồi khả năng biểu diễn. Hội thi cũng là căn cứ để tuyển chọn các tài năng đi đào tạo ở nước ngoài”, Vụ trưởng Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, thông tin. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc