Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Trẻ nói ngọng... mà nhiều cha mẹ không biết

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:43 GMT+7

VHO- Chị N.T.H (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa hai con: một bé gái học lớp 3 và bé trai đang học mẫu giáo 5 tuổi đến Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương) để kiểm tra. Nguyên nhân là điểm môn Tiếng Việt của bé gái lúc nào cũng kém do đọc và viết sai chính tả. Thậm chí đến năm học này, cháu không thích giơ tay phát biểu và không chơi với các bạn ở lớp nữa.

 Bệnh nhân được đo sức nghe tại Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ

 

 Chị H cho biết, mấy tuần nay cô giáo ngày nào cũng nhắn tin bảo tôi đưa con đi khám. Tôi không nghĩ con bị bệnh nhưng do cô giáo thúc giục nên tôi cho con đến kiểm tra tại Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ (Bệnh viện Nhi Trung ương), tiện thể mang luôn cháu thứ hai khám cùng.

Sau khi được các bác sĩ làm các test đo thính lực và kiểm tra khả năng phát âm - ngôn ngữ thì chị H bàng hoàng khi được thông báo vốn từ vựng của con ít hơn so với độ tuổi và khả năng hiểu lời hội thoại chỉ được 80%. Chị không ngờ con gái nói ngọng là do bị nghe kém. “Lỗi là do tôi đã không sát sao và để ý các con từ nhỏ. Từ lâu rồi tôi đã muốn cho con đi khám xem tại sao mà con tôi nói ngọng thì gia đình tôi cứ phản đối vì bảo lớn sẽ tự hết ngọng”, người mẹ trẻ không giấu được sự ân hận.

ThS.BS Lại Thu Hà, Giám đốc trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ cho hay, trường hợp của chị H chỉ là một trong rất nhiều phụ huynh đã đến đây khám và họ đều không ngờ tật nói ngọng của con mình là do tai nghe kém. “Chúng tôi thống kê cứ 10 bệnh nhi nói ngọng thì có 1 do bị nghe kém. Mức độ nghe kém của trẻ nói ngọng thường ở mức nhẹ đến trung bình nặng, ở mức độ này trẻ vẫn phản ứng khá tốt với âm thanh như gọi thì quay lại hoặc vẫn có khả năng nói dù ngọng. Vì vậy, cha mẹ thường không bao giờ nghĩ con bị nghe kém vì theo quan niệm thông thường nghe kém là không nghe thấy gì”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Thông tin về nguyên nhân và giải pháp của vấn đề nói ngọng thường gặp ở trẻ em, ThS.BS Lại Thu Hà cho biết, trong y khoa, nói ngọng được gọi là rối loạn phát âm có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do cấu trúc môi - vòm bất thường; hoặc có thể do bại não, có thể do quá trình thụ đắc ngôn ngữ chậm trễ dẫn đến hệ thống âm vị trên não bị trì trệ nên hệ thống phát âm âm vị của trẻ chưa được hoàn thiện. Những nguyên nhân trên rất dễ nhận biết, nhưng nguyên nhân do sức nghe kém thì cha mẹ, thậm chí cả các nhà chuyên môn hay bỏ sót.

“Hầu hết bố mẹ rất khó phát hiện ra trẻ nghe kém nếu trẻ chỉ nghe kém một bên (một tai sức nghe bình thường, tai còn lại bị nghe kém), hoặc nghe kém mức độ nhẹ đến trung bình nặng hai tai, hoặc nghe kém tiến triển, hoặc nghe kém tần số cao, hoặc nghe kém tần số thấp… Hầu hết trẻ nhỏ bị một trong các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện phát âm theo đúng lứa tuổi của mình và vốn từ vựng không phong phú, đa dạng. Nhưng thông thường cha mẹ chỉ thấy con mình nói ngọng và nghĩ rằng chắc lớn sẽ hết, nên rất nhiều gia đình đưa con đi khám khi con đã học tiểu học, thậm chí đang học cấp 2. Đối với những trường hợp như vậy, giải pháp cho các cháu là phải đeo các thiết bị trợ thính (máy trợ thính, F.M,…) và có kế hoạch trị liệu ngôn ngữ phù hợp cho từng đối tượng cụ thể thì các cháu sẽ hết nói ngọng”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Nói ngọng là một cản trở lớn trong quá trình phát triển, hòa nhập cộng đồng của các em, mà một trong những nguyên nhân là do chủ quan trong nhận thức của cha mẹ đối với vấn đề rối loạn phát âm ở trẻ. “Hằng ngày, chúng tôi tiếp nhận từ 20-30 cháu đến khám với lý do nói ngọng. Con số này không hề ít. Tuy đo sức nghe nhiều lúc mọi người cảm thấy hơi phiền phức vì chỉ nói ngọng thôi làm gì mà phải “phức tạp” đo đạc nhiều thế, nhưng trên góc độ của những người làm chuyên môn, chúng tôi luôn khuyến cáo các gia đình phải đo sức nghe. Đây không chỉ là quy trình chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương mà còn là quy trình của rất nhiều các cơ sở y tế trên thế giới từ trước đến nay”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Theo đó, việc đầu tiên chúng ta nên làm khi thấy con mình phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc là hãy đi đo sức nghe, sau đó hãy đi khám các chuyên khoa khác liên quan như răng hàm mặt, tâm bệnh, phục hồi chức năng và đừng quên đánh giá khá năng phát âm để biết được căn nguyên cũng như mức độ nặng nhẹ của con mình. Điều quan trọng ở đây là tìm ra được căn nguyên và giải pháp điều trị cho tật nói ngọng tưởng chừng như rất đơn giản đối với con trẻ của chúng ta. 

 VIỆT THANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top