Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

55 năm vẫn gửi tiền phúng điếu cho nhân vật

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:48 GMT+7

VHO- Cựu chiến binh Trần Hữu Tòng có thể luôn mỉm cười khi nhìn lại cuộc đời mình. Năm 16 tuổi, ông gia nhập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), cầm súng, viết văn, làm báo... Năm ông 27 tuổi, sách của ông được phát cho những người lính tình nguyện đi B, vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Mỗi tấm ảnh đen trắng ông đang lưu giữ đều là những câu chuyện đầy sống động. Ông Trần Hữu Tòng từng giữ cương vị nguyên là Cục trưởng Cục thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).

 Ông Trần Hữu Tòng với cuốn sách được xuất bản 27.650 cuốn

 Sách viết trên lưng ngựa

Khoảng thời gian 55 năm về trước, vùng biên cương phía Bắc có những bản làng biệt lập, đi nửa tháng mới đến nơi, hành trình vượt trăm con suối, phải luồn rừng, chặt cây để mở lối. Ở vùng Leng Su Sìn, tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên), đồng bào phải làm thân trâu ngựa dưới gót giày của bọn thống lý, thống quán. Nhưng giữa đêm trường dài đó có một người lính được bà con xem như người anh hùng, vì đã đánh đuổi bọn cường hào, dạy cho người dân trồng lúa, lo từng viên thuốc, dạy cách làm người, đưa suy nghĩ bà con ra khỏi bóng tối. Nhân vật đó là Trần Văn Thọ, cán bộ Công an nhân dân vũ trang.

Năm 1963, nhà báo trẻ Trần Hữu Tòng, phóng viên báo Công an nhân dân vũ trang cử lên rừng núi để viết bài. Đi bộ ròng rã 2 tuần. Ngồi nhớ lại, ông Tòng không thể đếm nổi đã đi qua bao nhiêu con suối nhỏ, bao nhiêu suối lớn, đèo dốc thì vô kể, cứ ngày đi, đêm treo võng ngủ, ở nhờ nhà dân, ăn cùng bà con khi lương thực mang theo đã cạn. Do ở rừng lâu, vì vậy trong văn chương của ông thường đặc tả về tiếng chim reo vui, tiếng gầm của muông thú, cái lạnh lẽo tận xương tủy, ánh trăng cô đơn trong rừng sâu qua khe liếp những ngôi nhà tồi tàn.

Khi lên tới Leng Su Sìn, chàng phóng viên nhìn về xuôi qua những tầng mây trắng, mắt mờ đi vì linh cảm về ngày về sẽ rất xa xôi. “Trên này sốt rét rừng, cứ thỉnh thoảng là người dân, rồi anh em bộ đội bỏ mạng, chôn đầy ngoài rừng” - những người dân tiếp ông và kể câu chuyện rùng rợn. Nhưng nhiệm vụ của một người viết báo trong thời chiến là phải “thấm” cái rùng rợn đó vào tận sâu trong ký ức thì mới viết ra được những con chữ có linh hồn và lay động lòng người… Ở Leng Su Sin, mỗi ngày trôi đi trong sương mù, giá rét, mưa phùn và tiếng thú dữ gầm rú hàng đêm.

Ba tháng sống chung với đồng bào, chưa định hạ sơn thì ông bị sốt rét quật ngã. Trên đường về xuôi, có những đoạn ông phải nằm vắt lên lưng ngựa. Đoạn đường về dài gấp nhiều lần đường đi lên. Có lúc đi ngựa, có lúc lết từng bước chân, không biết có còn sống khi về dưới xuôi. Trong đầu người lính trẻ lúc đó luôn ước ao sẽ còn sức khỏe để đưa câu chuyện về sự thống khổ tận cùng của đồng bào về với miền xuôi, mong muốn có thêm nhiều tấm gương sống chết với đồng bào như anh hùng Trần Văn Thọ.

Bác Hồ khen ngợi

Bài ký sự về anh hùng Trần Văn Thọ hết lòng vì nhân dân được in trên Báo Quân đội nhân dân vào ngày 16.8.1965 và đã được Bác Hồ đọc và khen ngợi. Bài viết kể về nỗi khốn khổ của người dân U ní - gạo không có một hột, chỉ ăn củ bấu, củ bầu, rồi còn bị bọn thống lý, thống quán cưỡi lên lưng như trâu, ngựa. Nhưng cán bộ Thọ là Công an nhân dân vũ trang đã đến đánh dẹp bọn cường hào, dạy cho người dân cày cấy, chữa bệnh; lo cho dân từ tấm áo, chiếc khăn… Những đoạn gây sốc của bài phóng sự này như: “Quan tả tả vào bản thì cái chân con lợn, con trâu tơ cũng không nhanh hơn viên đạn của chúng đâu. Ai không muốn cho vào nhà thì chúng đạp cửa vào. Chúng bắt cả con gái. Ai không chịu thì chúng đánh…”.

Nếu vào tận các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và hỏi một người lính từng đi B vào chiến trường miền Nam trước năm 1975 thì sẽ có người nhắc đến cuốn sách nhỏ này. Có những cựu chiến binh mà tôi từng phỏng vấn đã kể rành mạch về anh hùng Trần Văn Thọ mà ông đọc trên đường hành quân. Sách được phát cho anh em trong đoàn quân, khi giữa đường nghỉ ngơi, khi hành quân trên những con đường phẳng thì nhiều người lấy ra đọc. Từ ngoài Bắc đi bộ dọc Trường Sơn vào Nam ròng rã 3 tháng. Nhân vật từ cuốn sách đã tiếp thêm sinh lực cho những người lính dấn bước.

 Ông Tòng trên đường vượt núi rừng đến với đồng bào (ảnh chụp năm 21 tuổi)

Năm 2018, những người con của ông “chiều ý” bố, tài trợ kinh phí để chuyển tải cuốn sách tham gia một bộ phim, có sự tham gia cố vấn của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đây là dịp để ông về lại quê, đến khu vực Cầu Treo của tỉnh Hà Tĩnh, là nơi ông mang cầu vai binh nhì; đến với bản làng ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La… để tìm lại những hình ảnh quen thuộc, giờ đây đã đổi mới. Trong suốt quá trình phát hành và in sách, phát hành phim, số tiền thu được ông đều mang ủng hộ người cháu của nhân vật Trần Văn Thọ với tâm nguyện “để sửa nhà thờ, tiền hương khói để lo cúng anh Thọ hằng năm”.

Viết báo ở tuổi 86

Ông Trần Hữu Tòng sửa lại bình hoa hồng màu đỏ phớt tuyệt đẹp trên bàn trước khi mở tủ lấy ra một xấp ảnh mà ông đã chụp hoặc lưu giữ cách đây hơn 60 năm. Gia đình ông Tòng sống tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Lần nào gặp cũng thấy ông ngồi trầm ngâm bên lẵng hoa có màu phớt đỏ tuyệt đẹp. Những cánh hoa đó soi vào mắt ông hằng ngày, có lẽ cũng phả vào tâm hồn ông những cánh đồng chữ đầy sắc màu và vẫn tươi trẻ.

Ông lấy tấm ảnh chụp ở Hoàng Liên Sơn ra kể lại những khoảng khắc anh hùng của người lính trên mặt trận năm 1979. Tấm ảnh lưu dấu ấn những khuôn mặt khó quên nhất là chụp ảnh 22 người là phóng viên, cộng tác viên của Báo Công an nhân dân vũ trang vào thời điểm tháng 4.1961. Ông từng giữ nhiều cương vị Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ VHTTDL) quản lý nhà nước, nhưng quãng đời cầm bút viết báo để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong cuộc đời của ông.

Ông Tòng năm nay đã bước sang tuổi 86. Ở tuổi của ông, nhiều người đã mệt mỏi vì bệnh tật, nhưng với ông, quá khứ càng lâu thì càng nhớ sâu, những bài báo của ông viết ra luôn nặng tình với biên cương, đồng bào ở nơi biên giới xa xôi, nơi tuổi thanh xuân của ông đã đi qua. 

  Năm 1965, để chuyển tải hết câu chuyện về anh hùng Trần Văn Thọ, ông Tòng đã viết cuốn sách có khổ 9 x 13 để tiện bỏ vào ba lô. Cuốn sách xuất bản vào tháng 2 năm 1965. Tổng số bản được in là 27.650 cuốn.

 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top