Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Ra mắt phim về Tờ báo trên tuyến lửa: Không ai, không điều gì bị quên lãng

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:49 GMT+7

VHO-  Vừa qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Đại Đoàn kết, Báo Sài Gòn giải phóng, Hội Nhà báo TP.HCM, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức sự kiện trưng bày và ra mắt phim Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa.

Những nhà báo kỳ cựu, từng đi giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết đã cùng gặp lại ở lễ ra mắt phim tư liệu về tờ báo trên tuyến lửa, nhân 56 năm ngày ra số báo đầu tiên của tờ Giải phóng.

Những mốc son lịch sử

Nhiều tư liệu và sự kiện trong phim tài liệu dài 26 phút này lần đầu tiên được công bố: Những mốc son lịch sử ra đời và hoạt động của báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử cách mạng miền Nam và cả nước. Bộ phim hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Kỷ niệm 56 năm Báo Giải phóng ra số đầu tiên (20.12.1964 - 20.12.2020).

 Các cựu phóng viên của tờ Giải phóng tham quan gian trưng bày tư liệu, hiện vật về tờ báo trên tuyến lửa

Tờ báo Giải phóng trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn và đúng hơn về cuộc kháng chiến của dân tộc. Tổng biên tập đầu tiên là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên Tổng biên tập báo Cứu quốc; hai Tổng biên tập tiếp theo là nhà báo Thép Mới và Nguyễn Văn Khuynh. Hai nhà báo Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) hành quân theo đường Trường Sơn vào tới căn cứ Tây Ninh để tham gia làm báo Giải phóng ngay thời kỳ đầu.

Dựa vào những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu thập được, cùng với những tư liệu, ghi chép, ký ức của những người trong cuộc, bộ phim đã kể cho người xem nhiều câu chuyện xúc động về sự khốc liệt, hy sinh mất mát ở chiến trường cũng như cuộc sống gian khổ ở nơi mà mỗi nhà báo đều là chiến sĩ. 12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm Báo Giải phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số nhật báo Giải phóng tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Ngay sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975, những người làm báo Giải phóng tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số Báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên. Riêng tờ báo số 1, ra ngày 5.5.1975 đã phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá 50 đồng/tờ (tiền miền Nam). Đến năm 1977, báo Giải phóng chính thức cùng báo Cứu quốc sáp nhập thành báo Đại Đoàn kết, thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những nhân chứng lịch sử

Sắp bước sang tuổi 96, nhà báo Thái Duy vẫn minh mẫn kể chuyện làm báo tuyến lửa. Ông là một trong số ít những nhân chứng lịch sử ngày ấy. Trong ký ức nhà báo Thái Duy, cuối năm 1963, báo Cứu quốc có lệnh cử Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn và một phóng viên vào Trung ương Cục để tổ chức tờ báo tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông kể: “Tôi lại được theo Tổng Biên tập và Thư ký tòa soạn đi B. Đầu năm 1964, ngay sau Tết Âm lịch, tôi và anh Tống Đức Thắng đi đường bộ, còn Tổng Biên tập do chân yếu được đi tàu biển, còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển”. Nhà báo Thái Duy nói, thời ấy, viết báo không dám ký tên thật để đảm bảo an toàn cho phóng viên. Ông nhớ về ký ức từng con chữ thấm máu, nhiều phóng viên phải di chuyển giữa lằn ranh sống chết để làm báo giữa bom đạn, có nhà báo từng hai lần được cơ quan truy điệu, thậm chí đã được… lập mộ. Nhà báo Thái Duy xúc động rơi nước mặt khi nhắc lại những kỷ niệm ấy. Suốt 12 năm làm báo kháng chiến, tờ Giải phóng quy tụ đội ngũ kỳ cựu ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều nhà báo không ngại gian khổ, hy sinh.

Nhà báo Nguyễn Hồ nhớ lại: “Xuân Mậu Thân, chúng tôi vừa được lệnh tập hợp lại nhưng trong tay chưa có gì để ra báo. Toàn bộ người khỏe mạnh đi làm phóng viên các chiến trường. Một số cán bộ làm lính Mậu Thân, chiến đấu trong Sài Gòn. Hai nhà báo hy sinh là Quốc Hùng và Nguyễn Cảnh Hân. Số ở lại chuẩn bị tục bản tờ báo trong tình cảnh đầy khó khăn. Cuối năm 1968 tờ báo tục bản”.

Nhân dịp này, nhà báo Nguyễn Hồ trao tặng Bảo tàng Báo chí bộ sưu tập nhiều bài báo, bản thảo đăng trên Giải phóng giai đoạn 1965-1977 và nhiều tư liệu khác.

Theo nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam: “Đây là phim tư liệu đầu tiên về báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ giữa những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo tâm huyết, trách nhiệm với lịch sử và đất nước. Không ai, không điều gì bị quên lãng, bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc, bộ phim bước đầu kể với công chúng câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước và hoàn thành sứ mệnh lịch sử” .

Phim chiếu phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí nước nhà trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi thống nhất.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trưng bày chuyên đề tái hiện lại phần nào hình ảnh, những tác phẩm, những gương mặt báo chí gắn liền với tờ báo Giải phóng từ khi ra đời cho đến khi sáp nhập với báo Cứu quốc trở thành báo Đại Đoàn kết.

 AN BÌNH; ảnh: MAI AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top