Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam

VHO-Trong buổi làm việc với Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping và Y học thể thao vào chiều 22.12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, hai đơn vị cần phát huy thế mạnh để phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao nước nhà.

Theo báo cáo của Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đang hoạt động theo mô hình bệnh viện đa khoa hạng II với 150 giường bệnh theo kế hoạch và 50 giường ngoài kết hoạch; có 17 chuyên khoa với 12 khoa và 5 phòng chức năng, tổng số cán bộ là 204 người. Trong năm qua, Bệnh viện đã tiếp tục khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân chơi thể thao phong trào, VĐV chuyên nghiệp, được sự tin tưởng, tín nhiệm cao từ người bệnh.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam - Anh 1

Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam - Anh 2

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thăm Bệnh viện Thể thao Việt Nam

Bệnh viện cũng đã tư vấn, khám sàng lọc cho 721 VĐV 4 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, điều trị cho 112 VĐV các tuyến từ đội tuyển quốc gia, các đội tuyển địa phương và hàng trăm người tập luyện thể dục thể thao quần chúng. Bệnh viện cũng đã cử 7 cán bộ tham gia chăm sóc y tế cho VĐV, HLV các đội tuyển như Điền kinh, Đấu kiếm, Karatedo… góp phần vào thành công chung của Thể thao Việt Nam.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam - Anh 3

Thứ trưởng mong muốn Bệnh viện hãy phát huy vai trò, chữa trị tốt hơn nữa cho các VĐV, HLV và nhân dân

Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2003 để phục vụ cho SEA Games 22 đến nay Bệnh viện cũng đã xuống cấp về cơ sở vật chất; các trang thiết bị y tế cũng đã lạc hậu. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện bị ảnh hưởng đáng kể do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị có giảm ít so với mùa trước nhưng với một đội ngũ nhân viên luôn được người bệnh đánh giá cao về thái độ và tinh thần phục vụ nên nhìn chung Bệnh viện vẫn đạt các chỉ tiêu đề ra. Số ca khám bệnh đạt 108% so với kế hoạch đề ra; số ca phẫu thuật đạt 1.943 ca, tăng 0,4% so với năm 2019.

Trong năm 2021, Bệnh viện cũng đặt ra các chỉ tiêu chuyên môn cần đạt được như công suất giường bệnh là 100%; tổng bệnh nhân thu dung là 50.000 người; tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 4.000 người; số ca phẫu thuật là 2.000 ca; ngày điều trị trung bình là 10 ngày; tiếp tục điều trị cho các VĐV, HLV…

Trực tiếp thăm các khoa, phòng, chức năng và dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá, quang cảnh chung của Bệnh viện sạch sẽ, bệnh nhân đông, bệnh viện hoạt động tốt, đúng chức năng, nhiệm vụ. Thứ trưởng cũng cho biết, lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Bệnh viện bởi đây là Bệnh viện đầu ngành điều trị về các chấn thương trong thể thao.

Chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện về kinh phí duy tu, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, cũng như những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm vừa qua, Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy thế mạnh là điều trị chấn thương cho các VĐV cũng như điều trị các chấn thương liên quan đến hoạt động thể dục thể thao, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ cho các VĐV, HLV cũng như nhân dân đến khám và chữa bệnh.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam - Anh 4

Thứ trưởng thăm Trung tâm Doping

Cũng trong chiều 22.12, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã thăm và làm việc với Trung tâm Doping. Theo báo cáo của Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Phú, Trung tâm được thành lập cách đây 10 năm, nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chính là công tác phòng chống Doping, lấy mẫu kiểm tra theo Luật phòng chống Doping quốc tế và thực hiện các công tác về y học TDTT. Để chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Trung tâm đã triển khai nhiều công việc như phối hợp với Bộ Y tế, Viện KH&CN – Bộ Công An tập huấn cho 100 cán bộ kiểm tra lấy mẫu thử…

Phát biểu tại buổi làm việc với Trung tâm Doping, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn Trung tâm tiếp tục phát huy thế mạnh, làm tốt chức năng nghiên cứu, kiểm tra, phòng chống Doping trong lĩnh vực TDTT để hạn chế tình trạng VĐV bị phát hiện dương tính với Doping, ảnh hưởng đến hình ảnh của Thể thao Việt Nam, như trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng lưu ý Trung tâm cần xây dựng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả cao.

Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trung tâm Doping: Phát huy thế mạnh phục vụ tốt hơn nữa cho Thể thao Việt Nam - Anh 5

Thứ trưởng chỉ đạo, Trung tâm Doping nên chú trọng việc lấy mẫu kiểm tra Doping tại các giải đấu trong nước

Thứ trưởng nhấn mạnh, Tổng cục TDTT cần đưa vào qui định về việc kiểm tra Doping ở các giải đấu trong nước, Trung tâm cũng cần chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra doping tại các giải đấu trong nước; phổ biến danh mục các chất và phương pháp bị cấm của Tổ chức phòng, chống doping thế giới đến các đơn vị đào tạo, quản lý vận động viên trong cả nước; triển khai phòng xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng đưa trụ sở đơn vị đi vào hoạt động…

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc