Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch theo các chỉ số của WEF:  Ngành du lịch vẫn đơn thương độc mã

Thứ Hai 28/12/2020 | 10:59 GMT+7

VHO- Là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao và nội hàm văn hóa sâu sắc, việc nâng cao các chỉ số của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhằm tăng xếp hạng năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch rất quan trọng. Đây không phải việc riêng của ngành du lịch mà là bộ mặt quốc gia, thế nhưng đến nay gần như ngành du lịch vẫn đang phải xoay xở một mình.

 Cải thiện hạ tầng hàng không để nâng cao năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch của Việt Nam Ảnh: HÀ ANH

 Để xây dựng Đề án về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch theo các chỉ số của WEF, báo cáo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, các địa phương…

Làm rõ mạnh, yếu ở chỗ nào và tập trung cải thiện

Được thực hiện 2 năm một lần, báo cáo năng lực cạnh tranh của WEF đánh giá từ 130-140 quốc gia. Theo báo cáo mới nhất (năm 2019), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, tăng 4 bậc so với xếp hạng năm 2017 (67/136).

Xếp hạng năm 2019 cho thấy, chỉ số cạnh tranh cao nhất mà Việt Nam đạt được là về giá (đứng thứ 22), tài nguyên văn hóa và công vụ (29), tài nguyên tự nhiên (35). Nhóm xếp hạng cạnh tranh thấp nhất vẫn là sự bền vững về môi trường (121), hạ tầng dịch vụ du lịch (106) và mức độ ưu tiên cho du lịch (100)… Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Việc tìm giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch theo các chỉ số của WEF có ý nghĩa rất quan trọng, cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan cũng như sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp. Vấn đề chính là phải làm rõ được chúng ta đang được đánh giá cao ở nhóm chỉ số nào, chỉ số nào thấp và giải pháp để nâng cao các chỉ số thấp, chỉ số thành phần. Tiếp cận phương pháp đánh giá, chấm điểm của WEF và cung cấp thông tin để các đánh giá được khách quan, đầy đủ”.

Nhận định những năm qua Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, bà Đỗ Cẩm Thơ (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Du lịch) cho biết: “Từ năm 2015- 2019 du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, nằm trong số 6 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng (năm 2019); hệ thống sản phẩm du lịch dần được hoàn thiện, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển liên tục; Việt Nam đạt nhiều giải thưởng quốc tế do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) bình chọn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, ngành du lịch cần chủ trì, kết nối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cải thiện các nhóm chỉ số như Chỉ số mức độ ưu tiên về du lịch, các chỉ số liên quan ở từng lĩnh vực. Các địa phương cũng cần thực hiện cải thiện năng lực cạnh tranh tại địa phương với các chỉ số cụ thể, tiêu chí đánh giá và hướng dẫn”.

 Chỉ số cạnh tranh về tài nguyên văn hóa và công vụ của Việt Nam đứng thứ 29 Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Đề xuất nhiều, nhưng ít ngành tham gia

Cũng theo bà Đỗ Cẩm Thơ, các giải pháp trước mắt là đầu tư cải thiện quản lý điểm đến, tập trung cho công tác đào tạo, phát triển công nghệ, chuẩn bị các gói sản phẩm hấp dẫn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Đồng thời ngành cần đề xuất các ngành phối hợp thực hiện các giải pháp dài hạn như cải thiện nhóm chỉ số về môi trường, hạ tầng du lịch, ưu tiên cho du lịch, môi trường kinh doanh, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng mặt đất và cảng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đào tạo nhân lực, lao động ngành du lịch…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần chỉ rõ mối quan hệ của các chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của WEF với các bộ chỉ số của các ngành, lĩnh vực liên quan được giao chủ trì và thực hiện giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các Bộ, ngành tương ứng. Tuy nhiên, bà Thảo cũng nhắc lại việc ngành du lịch cứ đề xuất, đề xuất nhiều lần, đưa ra các giải pháp nhưng việc tham gia của các Bộ, ngành khác là rất ít, phần lớn của ngành nào ngành ấy làm và việc làm thế nào để các ngành khác cũng tham gia vào việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành không hề đơn giản.

Địa danh du lịch nổi tiếng Gành Đá Đĩa, Phú Yên Ảnh: QUẢNG HÀ

Để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh theo chỉ số của WEF và phù hợp với tình hình mới, khi dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, ngành du lịch đề xuất giải pháp trước mắt và dài hạn do ngành du lịch chủ trì, đề xuất các ngành phối hợp. Trong đó, Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trong việc đề ra các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn hóa nghề; nghiên cứu hình thành sàn giao dịch việc làm trong ngành du lịch; từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường lao động du lịch… Bộ TN&MT thực hiện các giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường, tăng các chỉ số về bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường chính sách, các quy định về quản lý môi trường trong quy hoạch, dự án đầu tư; quản lý, xử phạt trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường. Bộ GTVT đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối các điểm du lịch, cảng biển, cảng thủy nội địa; thực hiện các đề án đường bộ, đường sắt, đường hàng không phục vụ phát triển du lịch. Các Bộ, ngành khác phối hợp thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch; cải thiện các nhóm chỉ số xếp kém xa các nước trong khu vực.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, hành động của các Bộ, ngành liên quan để thay đổi các chỉ số về du lịch và lữ hành là chưa nhìn thấy. Từ trước đến nay, nhiệm vụ giao cho Bộ nào chủ trì thì Bộ đó thực hiện, hầu như không có sự tham gia của các Bộ, ngành khác. Vì thế, cần phải bắt đầu từ việc tìm ra đâu là điểm cần thay đổi, làm cách nào để thay đổi, các Bộ, ngành phải phối hợp như thế nào…? 

 Từ trước đến nay, nhiệm vụ giao cho Bộ nào chủ trì thì Bộ đó thực hiện, hầu như không có sự tham gia của các Bộ, ngành khác. Vì thế, cần phải bắt đầu từ việc tìm ra đâu là điểm cần thay đổi, làm cách nào để thay đổi, các Bộ, ngành phải phối hợp như thế nào…?

(Bà NGUYỄN MINH THẢO, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top