Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn: “Nhếch nhác” giữa lòng di sản

Thứ Sáu 01/01/2021 | 10:11 GMT+7

VHO- Trong quá trình thực hiện dự án Công trình Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, nhằm phục vụ công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản, vừa qua, đơn vị thực hiện khảo sát đã có buổi làm việc với Sở VHTT Đà Nẵng để báo cáo kết quả khảo sát địa hình, kiến trúc, hệ sinh thái.

Một góc khu vực dự kiến lập quy hoạch trong Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn

 Theo đó, vùng quy hoạch được chia thành hai khu vực bảo vệ di tích: Khu vực I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích (bao gồm các ngọn núi và Nhà thờ Thạch Nghệ Tổ sư); Khu vực II là vùng xung quanh khu vực I.

Từ nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã tiến hành di dời, giải tỏa những hộ dân sinh sống dưới chân các ngọn núi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều nhà tạm, móng, tường nhà sau khi đập phá chưa dọn dẹp mặt bằng, để lại nhiều khu vực nhếch nhác giữa lòng di sản. Trong vòng 10 năm trở lại đây, theo chủ trương, TP không cấp phép xây dựng mới, tuy nhiên theo báo cáo khảo sát hiện trạng, trên các tuyến phố như Huyền Trân Công Chúa, Non Nước…, nhà dân ở kết hợp kinh doanh buôn bán các mặt hàng đá mỹ nghệ vẫn mọc lên rất lộn xộn, mất thẩm mĩ. Ngoài ra, trong phạm vi quy hoạch còn có nhiều công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và các kiến trúc cổ. Theo quyết định giao đất (hoặc sổ đỏ), các cơ sở tôn giáo có tổng diện tích được cấp khoảng 62.500m2 nhưng trên thực tế, phần đất đang quản lý và sử dụng là hơn 108.346m2. Các công trình kiến trúc xây dựng trong khu vực nói trên chủ yếu là lăng mộ, mộ tháp, nhà vệ sinh, bếp, hàng rào, bậc cấp, lối đi cùng cảnh quan cây xanh, tượng, bệ trang trí…

Vấn đề nổi cộm nữa là nhu cầu bức thiết về cải tạo, xây dựng của hơn 600 hộ dân với yêu cầu mở rộng diện tích trên 3.000m2. Thực tế cho thấy, phần lớn nhà ở trong các kiệt, hẻm đều đã xuống cấp, lụp xụp. Khoảng gần 300 nhân khẩu có liên quan đến hoạt động ở khu danh thắng, chủ yếu là kinh doanh các mặt hàng đá mỹ nghệ, buôn bán nhỏ lẻ và thợ đá trong làng nghề. Đây là con số đáng lưu tâm trong công tác lập quy hoạch, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn.

“Kết quả đánh giá cho thấy hiện trạng dân cư khá phức tạp. Cụ thể, một số hộ đã tách, một số hộ tạm trú dài hạn và nhiều hộ có hộ khẩu trong khu vực nhưng không còn ở. Theo đó, với số phiếu điều tra phát ra là 1.070 phiếu, thu về 946 phiếu với hơn 550 ý kiến góp ý chia thành 9 nhóm vấn đề lớn, trong đó vấn đề sửa chữa, xây dựng nhà ở, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư là nổi cộm hơn cả”, đại diện Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt báo cáo.

Ngũ Hành Sơn là di tích danh thắng với nhiều giá trị lịch sử hiếm có, từ lâu đã được được Nhà nước quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Ngày 10.7.1980, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) đã có quyết định số 92-VH/QĐ công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, chính quyền đã có những động thái cần thiết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này như: Năm 1992, Ủy ban nhân dân tỉnh QN-ĐN đã thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn; Từ năm 1992-1995, trùng tu, tôn tạo chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai; Năm 1998, gia cố, sửa chữa núi Thủy Sơn. Chính quyền đã quyết định cấm hoàn toàn việc khai thác đá ở khu vực này nhằm hạn chế những tổn hại cho danh thắng; Năm 2003-2006, hang Âm Phủ được khai thông, trùng tu, tôn tạo theo tích truyện Mục Kiều Liên cứu mẹ nơi 18 tầng địa ngục; Năm 2010 chùa Hương Sơn chuyển về địa điểm hiện nay (phía nam núi Ghềnh); Năm 2011, thang máy được lắp đặt ở sườn đông núi Thủy Sơn để phục vụ du khách…

Ngày 24.12.2018, danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 1820/QĐ-TTg, điều này càng khẳng định sự đánh giá cao của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và khảo cổ. Ngày 16.4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 519/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; đồng thời, Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng ra Quyết định số 304/QĐ-TVHTT ngày 1.9.2020 và Quyết định số 312/QĐ- TVHTT ngày 9.10.2020 về việc phê duyệt Nhiệm vụ khảo sát địa hình, kiến trúc, hệ sinh thái phục vụ công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top