Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Giaỉ pháp giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất  ở miền Trung : Lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ với tỷ lệ phù hợp

Thứ Hai 18/01/2021 | 11:52 GMT+7

VHO- Trước tình trạng thiên tai lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở miền Trung với phạm vi và cường độ ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề trong năm 2020, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”, tại TP Hội An.

Hiện trường vụ sạt lở tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trong năm qua

Một trong những nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là, hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát kết nối chỉ đạo điều hành dân đến lúng túng, bị động trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên diện rộng…

Nhận diện nguyên nhân

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết năm qua các tỉnh miền Trung đã hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, kéo dài, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử. Đặc biệt, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và cán bộ, chiến sĩ. Sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 nghìn tỉ đồng.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hầu như năm nào ở tỉnh này cũng xảy ra thiên tai như sạt lở, lũ quét ở khu vực miền núi, nhưng năm 2020 là năm khốc liệt nhất. Sạt lở khiến 43 người chết, 17 người mất tích, thiệt hại ước tính gần 11 nghìn tỉ đồng. Do nhiều tác động khác nhau, tình hình mưa lũ, sạt lở núi ngày càng diễn biến phức tạp, con số thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tăng dần theo từng năm. “Nếu đi đến tận nơi, chứng kiến hiện trường, mới thấy sự khủng khiếp hơn nhiều. Với trách nhiệm của một người đứng đầu chính quyền địa phương và là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục thiên tai địa phương, thực sự tôi rất đau xót với những gì đã xảy ra trên quê hương mình”, ông Thanh nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý tập trung đánh giá, đưa ra các kết quả điều tra nguyên nhân chủ yếu gây lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất … Nói về những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề trong các vụ sạt lở đất gần đây, nhiều ý kiến cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan là do thiên tai gần đây diễn ra khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử cả về số lượng lẫn cường độ. Bên cạnh đó, địa hình đồi núi dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt kết hợp với mưa vượt mức lịch sử nên lúc tập trung nhanh, nguy cơ xảy ra sạt lở lũ quét. Dân số khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu dân cư ven biển gia tăng nhanh dẫn đến nguy cơ mất an toàn…

Nguyên nhân chủ quan là một phần do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể và đầu tư thích đáng cho công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát kết nối chỉ đạo điều hành dân đến lúng túng, bị động trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên diện rộng. Chưa thực hiện lồng ghép PCTT vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình nên còn xảy ra sự cố thiên tai. Thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại.

Đâu là giải pháp thiết thực

Hội thảo cũng đã tập trung phân tích và đưa ra nhiều nhóm giải pháp phi công trình, giải pháp công trình thiết thực và căn cơ trong phòng chống sạt lở đất, lũ quét… Đặc biệt đã giới thiệu những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao cho vấn đề phòng, chống thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung...

Theo đó cần thực hiện các giải pháp căn cơ lâu dài, giảm thiểu thiệt hại, nhất là cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến PCTT; Tập trung xây dựng chiến lược PCTT quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở...; Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp đặc điểm, điều kiện từng vùng, miền. Lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời tái định cư. Nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp thông qua công tác đào tạo, bổ sung nhân sự, trang thiết bị. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vưc miền Trung như: Công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét; công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất…

Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương. 

 THU HOÀI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top