Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Bài toán cho phát triển du lịch cộng đồng (Bài 4): Thiếu định hướng, thiếu chính sách

Thứ Tư 20/01/2021 | 11:02 GMT+7

VHO- Mặc dù được xác định là loại hình du lịch cần ưu tiên phát triển nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có các chính sách cụ thể để hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế thông qua du lịch, khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc cho du lịch; thiếu định hướng phát triển du lịch cộng đồng.

 

 Xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) làm du lịch cộng đồng với màu sắc văn hoá khác biệt Ảnh: TRẦN HUỲNH

Còn quá nhiều rào cản

Hầu hết các chính sách hiện nay chỉ tập trung nâng cao điều kiện kinh tế xã hội, đời sống cho bà con, hỗ trợ bảo tồn văn hoá dân tộc. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa kích thích người dân mạnh dạn tham gia. Chưa có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ các tổ chức đối với du lịch cộng đồng về vốn đầu tư, miễn giảm thuế, hướng dẫn thủ tục cho người dân tộc thiểu số làm dịch vụ đón khách du lịch nên nhiều người dân muốn triển khai phục vụ khách du lịch nhưng không có điều kiện. Sự hỗ trợ chủ yếu tập trung vào đào tạo tập huấn, trong khi người dân cần có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư nhằm làm phong phú dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách. Các hộ gia đình thu nhập thấp ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng do không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư.

Còn nhiều rào cản làm giảm sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam. Những rào cản này có thể đến từ trình độ học vấn thấp, thiếu vốn, kỹ năng, kiến thức, thiếu minh bạch cũng như phân phối lợi ích không đồng đều, thiếu một khuôn khổ chính sách phù hợp để hỗ trợ việc phát triển tri thức cộng đồng. Điều này thể hiện rõ qua việc thiếu tầm nhìn tổng thể về phát triển du lịch trong cộng đồng địa phương; thiếu sự quan tâm hoặc nhận thức hạn chế về du lịch trên một bộ phận người dân địa phương; quyền sở hữu ngăn cản sự tham gia của cơ sở kinh doanh du lịch do cộng đồng làm chủ; thiếu vốn đầu tư; thiếu nguồn nhân lực du lịch; rào cản văn hóa giữa cư dân địa phương và khách du lịch làm cho sự hài lòng bị giảm sút và khách không muốn đến địa phương; thiếu sự hợp tác, trao đổi giữa các bên liên quan.

Theo các chuyên gia du lịch, các cơ quan hành chính du lịch ở hầu hết các nước đang phát triển không có ở địa phương nên gây khó khăn cho người dân trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Sự thiếu thông tin không chỉ làm tăng khoảng cách kiến thức giữa các cộng đồng địa phương và các cơ quan ra quyết định mà còn tăng tốc độ cô lập của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Việc thiếu sự phối hợp và gắn kết giữa các bên liên quan khiến cho ngành Du lịch phát triển manh mún, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các sản phẩm du lịch, dẫn đến làm hỏng cơ hội tiềm năng để cộng đồng tham gia phát triển du lịch…

Điểm yếu của phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam là tự phát, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc, phát triển ồ ạt và chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa du lịch cộng đồng và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, phát triển nhưng chưa nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc dẫn đến mô hình na ná nhau, sản phẩm cũng na ná nhau. Có thể thấy rõ tình trạng “học tập” nhau một cách dập khuôn hoặc học hỏi một cách đơn giản giữa các điểm du lịch (điểm sau học điểm trước; bản chưa phát triển học bản đã phát triển), hay sự thiếu sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển du lịch cho từng bản, từng hộ gia đình cụ thể.

Bài học từ các nước trong khu vực ASEAN

Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã thành công trong việc phát triển các điển hình du lịch cộng đồng dựa trên phương pháp tiếp cận có sự tham gia của nguyên tắc 4P (mối quan hệ đối tác- công- tư- người dân) và 5A (thái độ- khả năng tiếp cận điểm đến - cơ sở lưu trú - điểm thu hút - quảng bá). Năm 2007, mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh Chi Phat được thành lập dựa trên sự tham gia và làm chủ của cộng đồng địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Liên minh cứu hộ động vật hoang dã, chuyển đổi sinh kế thông qua hoạt động du lịch, giảm bớt nguy cơ phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Tỉnh này đã xây dựng các tổ công tác, lập kế hoạch, hoạch định chính sách, theo dõi, giám sát các nội dung công việc cần làm; triển khai kế hoạch công tác hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn ASEAN về du lịch cộng đồng; tổ chức hội thảo của thành viên cộng đồng; đánh giá thử nghiệm kết quả thực hiện kế hoạch theo tiêu chuẩn ASEAN và tiếp tục phấn đấu đáp ứng cao nhất yêu cầu của tiêu chuẩn. Các nguồn thu tài chính cho mô hình du lịch cộng đồng của Chi Phat từ các tổ chức phi chính phủ và từ khách du lịch sẽ trích 20% đóng góp cho quỹ phát triển du lịch cộng đồng; chi phí cho vận hành dự án, duy trì sản phẩm, hoạt động và thu gom rác thải 25%; phát triển cộng đồng, đường sá, trường học, chùa, cầu và các công trình công cộng 2%; hỗ trợ kiểm lâm 5%; marketing 7%; hỗ trợ người già và hoạt động từ thiện 1%; hỗ trợ Ban quản lý du lịch cộng đồng 45%...

Tại Lào, cũng áp dụng cơ chế tài chính chia sẻ. Tiền thu được từ hoạt động du lịch cộng đồng chia đều cho các bản và quỹ đóng góp trực tiếp cho bảo vệ rừng, bảo tồn và các chương trình phát triển kinh tế dựa trên hoạt động du lịch của các bản. Thái Lan thành lập Cục Phát triển các Vùng Du lịch bền vững (DASTA). Đây là một cơ quan thuộc nhà nước chịu trách nhiệm về Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững các khu du lịch được chỉ định; xây dựng chiến lược về du lịch cộng đồng, du lịch giảm thiểu carbon, và du lịch sáng tạo. Cho tới nay, DASTA đã xây dựng được 14 mô hình du lịch cộng đồng với tiêu chí cùng sáng lập, phương pháp tiếp cận có sự tham gia và tiếp cận từ dưới lên.

Có thể nói rằng, ngoài việc tháo gỡ các rào cản để phát triển du lịch cộng đồng, ngay bây giờ, cần phải có những định hướng, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân, cộng đồng tham gia, hưởng lợi khi phát triển loại hình du lịch này.

Bài cuối: Giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

 THUÝ HÀ - TRUNG THÀNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top