Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

15 Tháng Ba 2024

Bài toán cho phát triển du lịch cộng đồng (bài cuối): Phải xác định thị trường mục tiêu

Thứ Sáu 22/01/2021 | 11:52 GMT+7

VHO- Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đang xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với kế hoạch thực hiện cụ thểnhư: Xây dựng các quy chuẩn riêng cho loại hình du lịch này; đề xuất các chính sách, gắn kết việc phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với các tiêu chíphát triển nông thôn mới tại từng địa phương.

 Du lịch cộng đồng ở Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch của Hội An (Quảng Nam) Ảnh: MINH THUẦN

 Cần có kế hoạch dài hạn

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đơn vị được Tổng cục Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cho biết: “Để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả và bền vững ở Việt Nam, cần định hướng phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái; đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm với xã hội và chính cộng đồng đó; thực hiện bảo tồn song song với phát huy giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Quan trọng là tạo được cơ chế, chính sách để người dân tham gia và thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả loại hình du lịch này”.

Tổng cục Du lịch đang rà soát, lựa chọn nơi phát triển loại hình này, từ đó xây dựng kế hoạch và chương trình hành động dài hạn đối với phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, giữ gìn cảnh quan, môi trường, tôn trọng giá trị bản địa, giá trị cộng đồng, tổ chức lực lượng hỗ trợ khách để phát triển kinh tế địa phương. Đề xuất hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp hạ tầng cho các điểm có tiềm năng đón khách du lịch và tổ chức du lịch cộng đồng. Ưu tiên đầu tư cho các địa bàn trong diện nghèo đói mà cộng đồng dân cư có nguyện vọng làm du lịch; địa bàn vùng sâu, vùng xa có ưu thế phát triển du lịch cộng đồng như có truyền thống văn hóa dân tộc mang tính đặc thù, có nghề truyền thống hoặc có tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn. Việc thiết kế tận dụng tối đa các vật liệu địa phương và hạn chế mức thấp nhất tác động vào thiên nhiên. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các hộ, gia đình, các thành viên cộng đồng để có thể tạo cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cộng đồng.

Các giá trị ẩm thực cũng được chú trọng khai thác với việc sưu

 tầm sản vật địa phương, đặc biệt là những loài cây, hoa, những món ăn truyền thống đưa vào thực đơn phục vụ khách du lịch. Khôi phục các nghề truyền thống, sử dụng lao động và nguyên liệu địa phương để sản xuất hàng hóa phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tạo điều kiện cho khách tham gia một công đoạn của nghề và mua sản phẩm mang về sử dụng, làm quà lưu niệm. Thúc đẩy việc hình thành mô hình liên kết giữa công ty du lịch, công ty thương mại xuất khẩu các sản phẩm làng nghề với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là mô hình kinh tế thôn, bản, hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ với nội dung trọng điểm đào tạo về nghiệp vụ phục vụ khách. Mời giảng viên, giáo viên là chuyên gia về du lịch cộng đồng, các đào tạo viên quốc gia về du lịch có chuyên môn và có kinh nghiệm để tổ chức tập huấn tại chỗ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, cách thức dễ hiểu, dễ nhớ và cử chuyên viên phụ trách lĩnh vực du lịch cộng đồng thường xuyên, bám sát cơ sở để kịp thời hỗ trợ cho bà con trong quá trình làm du lịch.

Chủ động quảng bá hình ảnh

Lâu nay, việc quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng mới được thực hiện một cách đơn giản, không hiệu quả, vì thế cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng thời gian tới, trong đó chủ thể của du lịch cộng đồng địa phương đóng vai trò quyết định. Ban quản lý du lịch cộng đồng, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng cũng cần chủ động thực hiện quảng bá, xúc tiến hình ảnh của mình đến với khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng cho địa phương mình theo hướng chuyên nghiệp.

Trong Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng mà Tổng cục Du lịch đang xây dựng, nhiều nội dung được đề xuất nhằm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp như: Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch. Một nội dung quan trọng của chương trình là xây dựng trang thông tin điện tử, các trang thông tin mạng xã hội giới thiệu về sản phẩm du lịch, hỗ trợ bà con, các địa phương trong thời gian duy trì ban đầu, tổ chức khảo sát, hội thảo, diễn đàn kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch tại địa bàn các xã biên giới. Đối tượng hàng đầu của chương trình này là cộng đồng địa phương mà trực tiếp là các hộ dân sống trong khu vực triển khai hoạt động du lịch cộng đồng, đội ngũ lao động trực tiếp và gián tiếp tại các điểm du lịch cộng đồng, những người cam kết tham gia vào hoạt động này.

Trong những giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, Tổng cục Du lịch đặt giải pháp lựa chọn thị trường mục tiêu lên hàng đầu. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng là khách nội địa trẻ tuổi, những hội nhóm nhiếp ảnh, dân “phượt”, những doanh nhân năng động, những người sống ở các đô thị và khách nước ngoài là những người làm việc tại các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, những người làm trong các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, Tây “balo”…, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp. 

 Quan trọng là tạo được cơ chế, chính sách để người dân tham gia và thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả loại hình du lịch này.

(Ông NGUYỄN QUÝ PHƯƠNG, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch)

 

 THUÝ HÀ - TRUNG THÀNH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top