Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Về Đông Hồ say ngắm hồn tranh Tết

Thứ Tư 27/01/2021 | 11:01 GMT+7

VHO- Nhắc tới dòng tranh Đông Hồ, thi sĩ Hoàng Cầm từng ngân nga: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Thật không quá khi nói rằng, kết tinh trong mỗi một bức tranh ấy là bản sắc văn hóa và sự tài hoa của người dân Kinh Bắc.

Tranh Đông Hồ chủ đề con trâu được nhiều người tìm mua trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Ai đó muốn tìm về thăm làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) chớ vội ngại đường xa, bởi lẽ người dân nơi đây rất hiếu khách. Điều thú vị là tất thảy những người còn gắn bó với nghề đều được người dân trân trọng gọi họ với hai tiếng nghệ nhân.

Nhất chữ - Nhì tranh…

Chính cách gọi đó đã giúp chúng tôi hiểu thêm về sự tự hào, niềm trân trọng của cộng đồng đối với người làm nghề. Sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, trước vô vàn biến thiên của lịch sử, sức sống lâu bền của tranh Đông Hồ đã khởi nguồn từ những điều bình dị và cũng rất tinh tế như thế.

Người ta thường bảo, tranh Đông Hồ là tranh Tết. Sau mỗi một năm người chơi tranh lại thay thế bức tranh cũ bằng tranh mới. Ý nghĩa sâu xa mà những nghệ nhân nơi đây gửi gắm vào mỗi tác phẩm, cũng chính là khát vọng về năm mới của người chơi tranh. Bởi dòng tranh này “tả - kể” về lối sống, về quan niệm nhân sinh hay phong tục tập quán cũng như đời sống lao động. Trong tranh còn có cả tình cảm yêu mến hoặc sự phê phán hài hước nhẹ nhàng, thông qua các đề tài: Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Nghênh xuân, Nhân nghĩa... Hoặc hình tượng những con vật thần thoại như long, ly, quy, phượng hay quen thuộc, gần gũi như gà, lợn, chuột, mèo. Cứ bóc tách từng lớp lang văn hoá hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho chúng ta thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng mà độc đáo.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm thủ thỉ: “Tranh thì nhất định phải in trên giấy dó bởi giấy dó bền, dai, mềm mại, lại giữ màu mực, son lâu dài. Có giấy dó rồi, nghệ nhân Đông Hồ phết hồ loãng trộn bột điệp lên, bằng những cây chổi lá thông rồi phơi cho khô. Hồ điệp trắng ngà, lấp lánh ánh xà cừ theo vết chổi thông, vừa đẹp vừa sang. Tranh Đông Hồ thường có bốn gam màu chính. Màu đen làm từ than quả xoan hoặc than lá tre. Màu xanh lục tạo từ gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao - Lạng. Màu vàng chiết suất từ hoa hòe, hoa dành dành và nước vỏ vang thì làm nên màu đỏ”. Rõ ràng tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ mà được in từ những mộc bản có sẵn. Nhưng xin chớ lầm tưởng việc in tranh là đơn giản bởi để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem, một bức tranh chia làm bao nhiêu phần bố cục thì mất bằng ấy lần in. Lối in thủ công giản dị mà tinh xảo, trên một mặt phẳng theo lối “đồng hiện”, bất chấp luật xa, gần trong hội họa phương Tây tạo nên một dòng tranh đặc sắc, thuần Việt, quý báu.

Người có niềm đam mê với văn hóa dân gian khi về với làng tranh Đông Hồ rất dễ bị “nghiện tranh”. Nếu lỡ mua một bức rồi thì kiểu gì cũng muốn mua tất cả để trưng và để chơi cho thỏa lòng. Dĩ nhiên gặp những vị khách có lòng như vậy, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm lại gói ghém thật cẩn thận những bức tranh cùng chủ đề, rồi hào phóng đem tặng cho người hữu duyên, đem lòng si mê những bức tranh đó. Lúc này không còn người mua kẻ bán nữa mà thành người tặng và người nhận. Thế nên cha ông ta mới đúc rút ra rằng: Nhất chữ - Nhì tranh - Tam sành - Tứ mộc, để nói về những thú chơi tao nhã của người Việt.

 Người thợ vẽ màu của làng tranh Đông Hồ

Con trâu trong tranh Đông Hồ

Thời điểm này trên khắp các nẻo đường ngõ xóm, không khí Tết Tân Sửu đã cận kề. Phải chăng vì lẽ đó mà những bức tranh Đông Hồ tái hiện con trâu lại được người mua tìm kiếm nhiều hơn cả.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ, trong hơn 200 đề tài khác nhau được thể hiện qua tranh Đông Hồ thì chủ đề về con trâu luôn được các nghệ nhân dành nhiều tâm huyết. Các bức tranh này, chủ yếu đi sâu miêu tả con trâu trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường như: Mục đồng thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Chọi trâu, Hiếu học, Nghỉ ngơi, Cày bừa... Trong đó, tranh Mục đồng thổi sáo là hình ảnh chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dựng đứng như một chiếc ô, xung quanh là cỏ cây đất trời rộng lớn. Trâu trong bức tranh này nhiều nét đáng yêu và ngộ nghĩnh. Tranh Cưỡi trâu thả diều là hình ảnh chú bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều. Hình ảnh của con người và con trâu đều rất ung dung, tự tại và còn đậm nét yên ả, thanh bình của làng quê Việt Nam.

Dù chi tiết trong hai bức tranh này có phần đơn giản nhưng lại không hề mất đi sức gợi tả. Với gam màu đen là chủ đạo mang đến cho tranh sự khỏe khoắn, khiến cho màu có độ chín. Điểm thêm màu đỏ của hoa, màu xanh của lá, trên nền màu nâu đỏ. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không khô cứng. Triết lý âm dương được biểu hiện rõ, đó là: Thấp - cao; Đất - trời; Cỏ - sen; Tối - sáng; Màu đen - màu đỏ. Bố cục tranh hài hòa, trong tranh các khoảng trống đều nhau nên tạo nên tính nhịp điệu cao, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Nhiều năm trở lại đây, không chỉ dừng lại ở dòng tranh in trên giấy dó, người Đông Hồ còn sáng tạo thêm cả tranh khắc trên gỗ mà ở đó các chi tiết đều được mô phỏng lại theo các bức tranh in và vẫn giữ được hồn cốt của tranh dân gian Đông Hồ. Điều này không chỉ giúp tranh Đông Hồ thêm phong phú về cách thể hiện mà còn lan tỏa giá trị văn hóa lâu bền hơn với thời gian...

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top