Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tránh những sai lầm với người bị đột quỵ não

Thứ Tư 27/01/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Những ngày gần đây, dù thời tiết ấm dần nhưng lượng bệnh nhân bị đột quỵ não vẫn không giảm, tỷ lệ tử vong vẫn cao. 



Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai

Các bác sĩ cho biết cần phát hiện sớm bệnh và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Đừng đánh mất thời gian vàng của não
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù đã khuyến cáo nhiều lần nhưng các bác sĩ vẫn tiếp nhận những ca bệnh nhân đến viện quá muộn, qua thời gian vàng của não. Chẳng hạn một người bệnh 60 tuổi (ở Thái Bình), có tiền sử khỏe mạnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai vì tê yếu nửa người trái. Bệnh nhân cho biết, có dấu hiệu bệnh bị từ trưa hôm trước nhưng vẫn nằm ở nhà vì cho rằng khi bị đột quỵ thì phải nằm bất động. “Nhưng tôi càng nằm nghỉ ngơi thì tay chân bên yếu mãi vẫn không cải thiện, nên tôi bảo con đưa đi viện”, bệnh nhân cho hay.
Một nữ bệnh nhân 62 tuổi khác là tổ trưởng tổ thơ ở khu phố văn minh, cuộc sống hằng ngày hoàn toàn khỏe mạnh. Một buổi sáng như bao ngày bình thường, bà ngủ dậy sớm rồi chuẩn bị ra công viên tập thể dục. Khi vừa ra khỏi cửa, bà đột nhiên thấy hơi yếu và tê bì nửa người phải, kèm méo miệng nhẹ. Bà nghĩ chắc do trúng gió, nên đi vào giường nghỉ. Con gái của bà cũng gọi bác sĩ châm cứu đến tập và điều trị cho bà. Nhưng sau 1 ngày tình trạng vẫn không cải thiện. Gia đình quyết định đưa bà đến Bệnh viện Bạch Mai...
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, còn rất nhiều bệnh nhân đột quỵ não khác đã đến với Trung tâm trong tình trạng muộn, qua mất giờ vàng. Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4-5 giờ từ khi khởi phát bệnh, cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 6 giờ đầu, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ. Nếu càng đến sớm bao nhiêu thì tỉ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu, còn qua giờ vàng thì hệ lụy để lại di chứng cao, tổn thương não, nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời.
“Điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng. Lập tức gọi xe cứu thương 115 và nói về dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não để nhân viên cấp cứu sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân. Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống, nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao; nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển. Không được cho người bệnh uống bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn dến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra. Ngoài ra, không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Đặc biệt, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện, các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu”, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Nguy hiểm nhưng có thể đề phòng
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm: Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể; đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói; đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên; đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...
Tuy đột quỵ não là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể dự phòng được khi người dân lưu tâm đến việc điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ của bệnh. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não không thể tác động bao gồm tuổi, gen, dân tộc, di truyền và những yếu tố nguy cơ có thể tác động được như bệnh tăng huyết áp động mạch, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá... Bằng cách thay đổi lối sống tĩnh tại, ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại, do đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não. Đồng thời, cần lưu tâm đến các vấn đề kiểm soát huyết áp; không hút thuốc; kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế uống rượu…
“Ngoài ra, tất cả các bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ phải được khám, theo dõi điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc khuyến cáo. 

 LÊ DUY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top