Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thế vận hội Olympic Tokyo: Không thể trì hoãn thêm

Thứ Tư 27/01/2021 | 11:28 GMT+7

VHO- Olympic Tokyo đã phải lùi lịch 12 tháng vào mùa hè năm ngoái khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng sự kiện tiếp tục bị hoãn do các ca nhiễm đang gia tăng ở Nhật Bản.

 

 Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn luôn khẳng định sẽ quyết tâm tổ chức Thế vận hội vào mùa hè 2021.

Cơ hội để giới thiệu sự tái thiết của Nhật Bản

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23.7 đến 8.8.2021. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho rằng, việc hoãn Thế vận hội một lần nữa không phải là một lựa chọn và rằng, nếu không thể diễn ra vào mùa hè này, nó sẽ bị hủy. Và như vậy, tất cả chỉ có thể trông chờ vào Thế vận hội mùa hè 2024 tại Paris (Pháp) và Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles (Mỹ).

Trong nhiều tuần qua, các quan chức Nhật Bản và IOC đều khẳng định rằng Thế vận hội sẽ tiếp tục diễn ra và việc trì hoãn thêm là không thể. Các nhà tổ chức đã cố gắng đưa ra các kế hoạch tổ chức Thế vận hội theo cách mà công chúng Nhật Bản chấp nhận được, đồng thời công bố một loạt các biện pháp an toàn. Thế nhưng, trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 1.2021 cho thấy, 80% số người được hỏi phản đối tổ chức sự kiện vào năm nay. Tuy nhiên, Ban tổ chức Olympic Tokyo mới đây đã đưa ra tuyên bố, Thủ tướng Yoshihide Suga quyết tâm tổ chức Thế vận hội.

Phát biểu trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ 204 của Quốc hội mới đây, Thủ thướng Yoshihide Suga đã khẳng định, Olympic Tokyo sẽ là biểu tượng của nhân loại vượt qua đại dịch và cũng là cơ hội để giới thiệu sự tái thiết của Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần vào năm 2011 với thế giới. Các quan chức thuộc IOC cũng phủ nhận tin đồn về việc hủy sự kiện để không làm ảnh hưởng đến tinh thần của các vận động viên đang luyện tập cho giải đấu. Olympic Tokyo sẽ vẫn diễn ra và ngọn lửa sẽ chính thức được thắp sáng vào ngày 23.7.

Chủ tịch Ủy ban tổ chức Tokyo Yoshiro Mori nói rằng: “Sau một đêm dài, nhất định sẽ có một buổi sáng. Với niềm tin đó, tôi sẽ làm việc chăm chỉ đến cùng để có thể đem lại niềm vui và hi vọng cho nhiều người”. Chủ tịch IOC Thomas Bach cũng ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của vắcxin và hi vọng Thế vận hội có thể diễn ra an toàn. Ông xem Olympic Tokyo là “ánh sáng cuối đường hầm” của đại dịch.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà tổ chức có cho phép khán giả tham dự Thế vận hội hay di chuyển từ bên ngoài Nhật Bản để tham dự Thế vận hội hay không. Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với tất cả du khách quốc tế, dự kiến kết thúc vào ngày 7.2, nhưng nó có thể được gia hạn.

Không khán giả có thể gây thiệt hại lớn

Việc tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo không cho phép khán giả tới xem có thể sẽ gây thiệt hại tới 2.413,3 tỉ yen (gần 23,5 tỉ USD) cho Nhật Bản. Cụ thể, theo ước tính của ông Katsuhiro Miyamoto, Giáo sư Danh dự Đại học Kansai, việc tổ chức Olympic và Paralympic mà không có khán giả sẽ gây thiệt hại 381,3 tỉ yen chi phí liên quan trực tiếp tới các Thế vận hội này, vốn chiếm khoảng 90% trong tổng chi phí tổ chức trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, do sự quan tâm của khán giả đối với các sự kiện thể thao này không tăng, tác động kích thích chi tiêu dùng cá nhân của Olympic và Paralympic sẽ giảm 50% xuống còn 280,8 tỉ yen, trong khi các công ty sẽ giảm hoạt động tiếp thị. Mặt khác, Giáo sư Miyamoto cho biết lợi ích kinh tế từ các sự kiện quảng bá thể thao và văn hóa sau các Thế vận hội này cũng giảm 50% xuống còn 851,4 tỉ yen. Điều này sẽ khiến nhu cầu du lịch giảm đi và ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh.

Trước đó, Đài truyền hình NHK tiết lộ tổng chi phí của Chính phủ Nhật Bản dành cho việc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo có thể sẽ lên tới hơn 390 tỉ yen (3,76 tỉ USD). Con số này bao gồm các chi phí từ tài khóa 2013, khi Tokyo được lựa chọn làm thành phố đăng cai, đến tài khóa 2021. Trong khi đó, theo hãng tin Jiji Press, trong 1.644 tỉ yen kinh phí tổ chức Olympic và Paralympic, chính quyền thủ đô Tokyo sẽ gánh khoảng 717 tỉ yen, trong đó có các chi phí phát sinh từ việc lùi thời gian tổ chức các sự kiện này vì dịch Covid-19 vào năm ngoái. Trong dự thảo ngân sách cho tài khóa 2021 có tổng trị giá khoảng 7.425 tỉ yen, cao thứ 2 trong lịch sử, chính quyền Tokyo không đưa thêm các khoản chi phí phát sinh liên quan tới việc đăng cai Olympic và Paralympic (khoảng 120 tỉ yen) vào dự thảo này. Các khoản chi phí đó chủ yếu sẽ được bù đắp bởi các quỹ thặng dư trong tài khóa 2019 chuyển sang.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Canada, David Shoemaker khẳng định tin tưởng Thế vận hội năm nay có thể được tổ chức một cách an toàn và thành công với sự chuẩn bị nghiêm túc, cũng như sự cam kết của IOC và Ban tổ chức Olympic Tokyo trong các biện pháp đối phó với Covid-19. 

THỊNH QUANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top