Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Độc đáo nghề nặn "ông Táo" ở Hòn Đất

Thứ Năm 04/02/2021 | 10:11 GMT+7

VHO- Có những sản phẩm quê hương gắn liền với những địa danh sinh ra nó. Những chiếc cà ràng ở huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang là thế! Mọi người gọi nơi đây là nơi “khai sinh” ra ông Táo. Trong khi có nhiều làng nghề đang dần bị mai một bởi sự thay thế của những tiến bộ của công nghệ, thì nghề nặn đồ đất ở huyện Hòn Đất lại là một ngoại lệ khá thú vị trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa – xã hội mang dấu ấn văn hóa độc đáo của vùng miền.

 Ông Hồng Vĩnh Nguyên, giới thiệu về các loại cà ràng

Từ giá trị văn hóa 

Nghề thủ công truyền thống nặn đồ đất ở Hòn Đất xuất hiện khá sớm trong lịch sử hình thành cư dân - dân tộc trên vùng đất Kiên Giang. Ngoài ý nghĩa về tính lịch sử, kinh tế của nghề này còn thể hiện tính chất văn hóa, nghệ thuật mang tính đặc trưng của Hòn Đất. Trung tâm nghề ở thị trấn là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa độc đáo của địa phương. Ở Hòn Đất, nghề nặn đồ đất đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của Kiên Giang. Những sản phẩm thủ công vừa là giá trị vật thể đồng thời là giá trị văn hóa phi vật thể, những hàng hóa đó thể hiện sự ứng xử của con người, trước nguyên liệu, trước thiên nhiên. Những hòn đất thô sơ, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã giúp trở thành những vật dụng sinh hoạt trong gia đình hết sức cần thiết và thân thiện. Sản phẩm đã trở thành nơi gửi gắm tâm hồn, nơi thể hiện tài năng, khiếu thẩm mỹ, tinh thần lao động của người thợ.

Nhiều người làm nhề ở đây cho biết: Cơ cấu trong nghề cũng là nền tảng cho truyền thống đạo đức của người Việt Nam. Nghề nghiệp được cha truyền con nối, đạo đức gia đình và cộng đồng nhờ thế được vững chắc. Thợ cả dạy nghề cho thợ mới vào nghề, tạo nên một không khí trong cộng đồng. Mỗi một người trong cộng đồng có mối ràng buộc với nhau là cha – con, ông – cháu, thầy – trò, khiến cho cách ứng xử, mối quan hệ trong ấp có phép tắc, lễ nghĩa.

Giá trị văn hóa của nghề còn thể hiện ở lối sống, phong tục. Tính cộng động và tính nhân văn cao. Một cái cà ràng được thành phẩm, trải qua nhiều công đoạn và mọi người đều có trách nhiệm chung trong việc hoàn thành cái cà ràng đó. Công việc của người này có liên quan đến công việc của người khác, vì thế luôn có mối ràng buộc những người thợ với nhau tạo nên một lối sống cộng đồng có trách nhiệm. Tính cộng đồng còn được thể hiện rất cao qua cách thức sản xuất. Mỗi thành viên trong ấp không lao động đơn lẻ. Người này học người kia, kinh nghiệm được trao đổi cho nhau. 

Tình làng nghĩa xóm ngày càng đậm đà qua những buổi chung lưng lao động. Mức độ cạnh tranh nghề nghiệp không mãnh liệt nên không tiêu diệt được tình làng nghĩa xóm, mà trái lại họ phải thi đua sản xuất để giữ thị trường, đạt được số lượng cần thiết của phía đặt hàng. 

Về Hòn Đất, không khí chung lưng nặn đồ đất được thể hiện rất rõ rệt. Tường nhà này thông với nhà khác, hoặc lối đi cũng thông với nhau, người ta có thể vừa nặn lò vừa tâm sự, kể chuyện làm ăn, con cái, tương lai… Các cô gái và những chàng trai ở đây cũng thông qua làm nghề mà tâm sự hiểu nhau tiến đến hôn nhân và lại sinh sống với cha mẹ làm nghề nặn đồ đất, tạo thành những đơn vị gia đình, làm nền tảng vững chắc cho nghề.

Cửa hàng của ông Hồng Vĩnh Nguyên chuyên cung cấp các sản phẩm bằng đất nung

Đến giá trị xã hội của nghề

Cũng như bao nghề truyền thống khác, nghề nặn đồ đất cũng có vai trò lớn về xã hội. Trước hết, nghề truyền thống đã giải quyết được phần nào lao động dư thừa, giảm bớt áp lực về việc làm, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình không có đất để trồng lúa hay làm nghề khác, lớp trẻ cũng có thể cùng gia đình tạo ra thu nhập, không có thời gian để lang thang và tham gia vào các tệ nạn xã hội, tình hình an ninh, trật tự trong ấp cũng như địa bàn khu vực có nghề được ổn định không có các tệ nạn như: cờ bạc, nhậu nhẹt, trộm cắp, ma túy… Không những thế mà nghề còn tạo việc làm cho những lao động không có việc làm từ nơi khác đến làm mướn, tạo ra một thị trường cung cấp đất để sản xuất và trao đổi sản phẩm đi nơi khác tiêu thụ… 

Giá trị xã hội của nghề còn được thể hiện ở tác dụng giáo dục rất cao, không chỉ cho các thành viên trong gia đình mà cho thanh niên trong cả địa phương trong việc đánh giá các giá trị của nghề và sự sáng tạo cũng như sự cần cù của người thợ nghề để tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của địa phương. Tuổi thơ của các em cũng được gắn với những kỷ niệm êm đêm bên những câu chuyện của nghề. Chính không khí lao động của gia đình, cả ấp đã giúp lớp trẻ cuốn hút vào không khí đó mà cùng gia đình tham gia sản xuất.

Bên cạnh việc tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm, tăng lợi nhuận, nghề nặn đồ đất còn giữ vai trò trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề nặn đồ đất Hòn Đất là một nghề thủ công truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Thời gian làm nghề thường được tiến hành vào thời điểm nông nhàn, thường vào mùa khô và do phụ nữ đảm nhiệm. 

 Nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ ngoài giờ học làm thêm kiếm thêm thu nhập

Nơi nào có nghề là nơi đó có cuộc sống ổn định và hộ nghèo cũng được giảm tối thiểu, xã hội và chính quyền địa phương cũng ít phải tạo việc làm cho lao động nông thôn nhất là những vùng sâu, vùng xa. Những người làm nghề ở đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với các hộ gia đinh, vì đa phần các hộ làm nghề đều không có đất ruộng để làm lúa. 

Hiện nay, sản phẩm đất nung của Hòn Đất vẫn giữ một vai trò nhất định trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của người dân nông thôn. Những cái cà ràng bằng đất truyền thống không thể phai mờ trong sinh hoạt của con người, nó càng ngày càng được tái hiện một cách sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những người thợ. Giờ đây, nhắc đến cà ràng là người ta nhớ đến huyện Hòn Đất, nơi “khai sinh” ra ông Táo, nghề thủ công truyền thống có một không hai, được xem như một nét văn hóa đặc sắc ở Kiên Giang. 

Có vậy mới biết, sức sống của một nghề truyền thống vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay, mà còn là câu chuyện của thời gian, của quá khứ và những giá trị văn hóa – xã hội của nghề, mang bóng dáng của miệt đồng quê, không dễ lãng quên.

THẾ HẠNH
 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top