Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045

Thứ Bảy 06/03/2021 | 20:21 GMT+7

VHO - Chiều 6.3, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, chuyên gia, trí thức tiêu biểu trong chương trình Đối thoại 2045. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp. Đối thoại sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm.

Thủ tướng phát biểu khai mạc Đối thoại

Phát biểu giới thiệu, Phó Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tại buổi Đối thoại lần này, Chính phủ muốn trao đổi với DN những ý kiến về sách lược, những hiến kế, giải pháp phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay. Đặc biệt trong đó khẳng định khát vọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.

Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu phải có những doanh nghiệp lớn mạnh
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các DN. Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển. Đặc biệt trong những nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, quy mô nền kinh tế có bước tiến nhanh từ quy mô đứng thứ 55 lên 40 như hiện nay, đời sống nhân dân cải thiện, tuổi thọ của người dân tăng lên sánh vai được với các nước tiên tiến, số học sinh đạt các giải quốc tế đứng hàng đầu khu vực. Niềm tin nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng củng cố. Mặt khác, theo Thủ tướng, thành quả thành công còn thể hiện ở việc những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các tập đoàn tư nhân, kinh tế hợp tác xã đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra những thách thức đối với sự phát triển đất nước sắp tới. Đó là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, các yếu tố nền tảng để tăng trưởng nhanh, bền vững chưa bền vững. Quy mô nền kinh tế có tăng lên nhưng tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với khu vực và thế giới. Mặt khác, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra còn chậm, năng lực cạnh tranh của vùng, của quốc gia còn ở mức trung bình. Các yếu tố khác phục vụ cho phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm cải tiến, quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, quản trị các trường đại học… còn nhiều bất cập. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các thách thức ngày càng lớn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… 
Theo Thủ tướng, muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những DN lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước. Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta. 

Mong muốn Chính phủ là “bà đỡ” cho doanh nghiệp
Chính thức công bố chương trình “Đối thoại 2045” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống Nhất, Thủ tướng nêu rõ, đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để lắng nghe các tầng lớp tinh hoa phát biểu”. Hôm nay chỉ là mở đầu, còn tiếp theo sẽ có nhiều cuộc đối thoại khác, bằng hình thức trực tiếp và cả trực tuyến, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. “Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các “Đối thoại 2045”. Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào cái tinh thần hướng tới một Việt Nam 2045”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cho biết "Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các DN phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các DN tham dự Hội nghị khoảng hơn 26 tỉ USD/năm.
Là đại diện DN đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc đối thoại. Chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast, ông Huệ cho rằng có một sự trùng hợp tuyệt vời, “Mãnh liệt Việt Nam” cũng chính là tinh thần mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến khi Chính phủ, người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.
Hiện tại đã có hơn 40.000 ôtô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6.2019, VinFast mới chỉ có vẻn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường. Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẫn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.
Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Vào mùa xuân độc lập đầu tiên (1945), Bác Hồ muốn Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu và chúng ta hôm nay đối thoại 2045, 100 năm sau, chúng ta mong Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5% đến 13%/năm như một số nước đã từng đạt được không hay là với chúng ta 8%/năm là tuyệt vời lắm rồi. Cộng đồng DN phải làm gì để chia sẻ khát vọng đó. Các DN có sẵn sàng tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ 20-30%/năm hay không. Và cộng đồng DN chưa đủ, đó phải là khát vọng của từng người dân, cả dân tộc. Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để DN làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, là “bà đỡ”, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng.
Trong những năm tới, ông Bình kiến nghị về chính sách, trong chiến lược Việt Nam phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số... Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các DN tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TP.HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách. 

Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển
DN có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trăm nghìn người lao động. Tuy nhiên gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO đã chia sẻ tầm nhìn phát triển của DN trong 10, 20 năm với câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đất nước phát triển và từng DN phát triển. Và muốn phát triển chúng ta sẽ làm thế nào?

Chủ tịch tập đoàn THACO cho biết DN này khi đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô tham gia vào chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định. Ông Trần Bá Dương cho biết trong thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu của DN; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số. “DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện”, ông Dương nhấn mạnh.

Trước phát biểu của ông Trần Bá Dương, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, tinh thần doanh nhân mãnh liệt của ông Trần Bá Dương, trong đó có việc giúp đỡ các doanh nhân khác.
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của DN Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho biết: Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các DN phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam, bà đặt vấn đề. Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người. Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; DN phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các DN phát triển.

Đại diện cho các DN đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với Thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng, định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sựu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Một vấn đề nữa được ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TP.HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tầu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Đây chính là địa lợi. Cuối cùng, về nhân hòa, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.
Kỳ vọng về nền kinh tế Việt Nam năm 2045, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SEABANK cho rằng có thể đặt tầm nhìn Việt Nam sẽ nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực. Sẽ có những DN của Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, nằm trong danh sách những DN hàng đầu thế giới. Và ngay bây giờ phải tạo dựng được một nền móng vững chắc, một dư địa phát triển rộng lớn cho những thế hệ sau này, để con, cháu chúng ta sẽ được sống trong một quốc gia phát triển với thu nhập cao, đúng với tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo
Mở đầu bài phát biểu, ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch điều hành Tổ hợp công nghệ truyền thông và giải trí DatVietVAC nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được nhiều kỳ tích”.
Theo ông Thành, văn hóa và sáng tạo cần được ưu tiên, hỗ trợ, bởi hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều chính sách rõ ràng và chỉ tiêu cụ thể. Hiện nay, chúng ta có làm kinh tế, văn hóa sáng tạo nhưng rời rạc, không kết nối nhất thể để tích hợp, tạo được sức mạnh. Trong lĩnh vực văn hóa kinh tế sáng tạo, Việt Nam có thế mạnh về ẩm thực, thời trang như áo dài, thủ công mỹ nghệ, thức uống có cà phê... Những nét văn hóa riêng biệt để có thể phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo. Cùng với những chính sách hỗ trợ riêng biệt để phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có cơ chế, chế tài mạnh mẽ để xử lý các vấn đề về bản quyền. Hiện nay, việc vi phạm bản quyền trong các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đang trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn cho các DN Việt. Ông Đinh Bá Thành kiến nghị sửa đổi Nghị định 06-NĐ/CP trên nền tảng tôn trọng thực thi luật pháp Việt Nam phù hợp với thông lệ thế giới: Tức thì, bình đẳng, không ngoại lệ. “Có như thế, công nghiệp nội dung Việt Nam mới có năng lực canh tranh để đóng góp vào việc phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo”.
Cũng là doanh nhân trẻ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết, giai đoạn 2021-2030 là cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, “nền cần lắm Nhà nước có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ”. Nếu đất nước thực sự muốn những tinh hoa của cả dân tộc đều có cơ hội cống hiến thì xin mở cửa một cách thoải mái, cởi mở nhất trong chính sách tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền. Ông cũng đề nghệ gia tăng tỉ lệ đại biểu là DN, trí thức trong Quốc hội để DN, trí thức đóng góp kiến thức, kinh nghiệm vào quá trình lập pháp. “DN khởi nghiệp là bộ phận lớn trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Tôi đã gặp nhiều và dự nhiều buổi hội thảo và đã thấy Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành rất quan tâm, mong muốn phát triển DN khởi nghiệp”, ông Đặng Hồng Anh nói. đồng thời đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân cho những khoản đầu tư của DN hay cá nhân vào khởi nghiệp vì “đồng tiền dính liền khúc ruột”.

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ
Phát biểu tại Đối thoại, nhà nghiên cứu, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045. Theo ông Tuấn, 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sao đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên chúng ta tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên. Theo phân tích của ông Tuấn, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới. 
Ông Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó DN Việt Nam mới là chủ đạo. DN nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. “Sự giàu có của người dân VN, sự phát triển của cộng đồng DN VN là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. “Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm”. Đồng thời, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa, môi trường cũng như tăng trưởng GDP để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước, ông Tuấn đề xuất.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tư vấn tổ kinh tế của Thủ tướng cho rằng sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc. Bất kì quốc gia giàu mạnh nào thì cũng phải có các doanh nhân, các DN hàng đầu và đồng thời phải có các trường đại học lớn nếu muốn ở đứng ở hàng đầu. Những yêu cầu đó đã thể hiện trong Đối thoại 2045 với sự đồng thuận về nhu cầu cần phải bồi dưỡng, vun đắp và phát triển lực lượng DN, doanh nhân gắn với giáo dục đào tạo.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lực lượng DN, doanh nhân phải thực sự trở thành nguồn lực của quốc gia. Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào nói rằng lực lượng DN Việt Nam vô cùng vững chắc, và sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong 25 năm tới. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần phát triển các trường đại học lớn để ươm mầm những nhân tài tương lai”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh và mong muốn trong những lần tổ chức tiếp theo của “Đối thoại 2045” sẽ có sự tham gia nhiều hơn những đại diện các ngành nghề khác, ngoài kinh tế, góp thêm góc nhìn khác nhau cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh
Tổng kết Đối thoại 2045 lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tướng bày tỏ, qua phát biểu của các DN, trí thức, chúng ta thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ, thời gian đủ dài để xuất hiện những DN, tập đoàn khổng lồ của Việt Nam. 
Thủ tướng cho rằng, có 5 vấn đề được nêu ra. Đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia. Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là bà đỡ cho DN và đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình DN, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho DN, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho DN, nhất là tạo điều kiện về đất đai. Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả. “Chúng ta thống nhất, DN là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, “Đối thoại 2045” có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là một diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng DN và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.
Đối thoại 2045 thể hiện sự kết tinh tinh thần yêu nước của người dân, DN, trí thức trước sự phát triển của đất nước; một quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, vượt khó khăn, thách thức đưa đất nước ngày một phát triển, mang lại đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đối thoại là cơ hội không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin, mà còn cả bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động, yêu sáng tạo.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển DN theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng. Thủ tướng nêu rõ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2020, được cộng đồng quốc tế và Nhân dân đánh giá cao. “Cùng với những đóng góp của cộng đồng DN, chúng ta không thể không nói đến vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia với những phản biện xã hội tâm huyết, trên tinh thần xây dựng, làm cho những giá trị được thức tỉnh, được bảo vệ và được tạo ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kêu gọi hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều DN vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó. Đây là điều tất cả chúng ta cùng mong muốn.

CHINHPHU.VN - T.TRANG - H.HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top