Nhiều thuận lợi của Căn cước công dân gắn chip

VHO- Qua gần 2 tháng triển khai, Công an toàn quốc thu nhận hồ sơ, cấp hơn 1,2 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip cho người dân. Dự kiến, việc cấp căn cước gắn chip dự kiến sẽ hoàn thành cấp thẻ cho 50 triệu người vào ngày 1.7, trong đó 10 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh... hoàn thành trước ngày 30.4.

Nhiều thuận lợi của Căn cước công dân gắn chip - Anh 1

 Căn cước công dân gắn chip giúp người dân thực hiện các giao dịch dễ dàng

Trước băn khoăn của người dân về tính bảo mật cũng như e ngại về việc thay đổi giấy tờ tùy thân sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch ngân hàng, làm sổ đỏ… Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, căn cước gắn chip có tính bảo mật cao hơn, lưu giữ nhiều trường thông tin hơn nhờ chip mã hoá các dữ liệu cá nhân như sinh trắc học, vân tay, võng mạc... Do đó, phải có đầu đọc chuyên dụng mới có thể tra cứu được các thông tin mã hoá trên thẻ chip. Chip gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Chip được gắn trên thẻ căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ căn cước công dân, với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Bên cạnh đó, mặt trước của thẻ có mã QR, mã hoá các thông tin cơ bản như họ tên, số thẻ, số chứng minh thư cũ, quê quán. Với mã QR này, người dân, tổ chức có thể dùng điện thoại để kiểm tra, cảnh sát sẽ không phải cấp giấy chứng nhận số chứng minh thư cũ như khi đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước mã vạch trước đây. Công dân chỉ cần mang thẻ mới đi là có thể thực hiện được các giao dịch. Dự kiến từ ngày 1.7, công dân có mã số định danh cá nhân khi làm các thủ tục hành chính không cần trình sổ hộ khẩu giấy, không phải nộp một số giấy tờ công chứng...

Nhiều người quan tâm đến việc sống một nơi và hộ khẩu thường trú một nơi thì làm căn cước công dân có gắn chip sẽ thế nào? Về việc này, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP thì khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì cơ quan quản lý Căn cước công dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Như vậy nếu công dân đã được cấp Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân 12 số, có thể đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an nơi mình đang tạm trú làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã đi vào vận hành thì công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý căn cước công dân nào để làm thủ tục cấp căn cước công dân.

 Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc