Vắcxin vẫn là lối thoát

VHO- Sau một thời gian ngắn tạm dừng sử dụng vắcxin AstraZeneca, từ ngày 19.3, hầu hết các nước châu Âu đã nối lại việc sử dụng loại vắcxin đã được các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn, hiệu quả.

Vắcxin vẫn là lối thoát - Anh 1

Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm vắcxin Covid-19 Ảnh: AFP

Chiến dịch tiêm chủng vắcxin Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục được đẩy mạnh, bởi đây vẫn được xem là lối thoát duy nhất ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử.

Nguy cơ bùng phát những làn sóng dịch bệnh mới

Với sự gia tăng của các biến thể mới, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ở Campuchia, ngày 20.3, WHO và Bộ Y tế nước này đã ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19”. Các chuyên gia WHO nhận định, đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến thể của Anh, khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày 20.3 ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua với 40.953 ca, riêng bang Maharashtra chiếm hơn một nửa số ca nhiễm. Một số địa phương tại nước này đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả phong tỏa và đóng cửa nhà hàng. Còn tại Philippines cũng đã ghi nhận gần 8.000 ca Covid-19 mới trong ngày và đang ở mức kỷ lục từ trước tới nay. Giới chức Philippines khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra đường khi không cần thiết. Hay như tại Chile, trong ngày 20.3, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, nước này ghi nhận số ca mắc bệnh kỷ lục trong ngày với 7.084 trường hợp, buộc chính phủ Chile phải ban bố lệnh phong tỏa trở lại đối với nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn như Concepción, Valparaíso, La Serena và trung tâm thủ đô Santiago.

Tại châu Âu, nhiều nước cũng đang phải đối mặt mới làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát, với tỉ lệ lây nhiễm ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2. Tính đến ngày 21.3, khu vực này đã có tổng cộng hơn 37.274.000 ca nhiễm và hơn 874.500 ca tử vong. Trong đó, Vương quốc Anh có nhiều ca tử vong nhất với hơn 126.000 ca, tiếp đến là Italia với hơn 104.240 ca, Nga và Pháp đã ghi nhận hơn 91.000 ca tử vong, còn tại Đức và Tây Ban Nha đã có hơn 72.000 ca. Nhiều quốc gia tại châu Âu cũng đã phải gia hạn và thắt chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Tiêm chủng là một điều tuyệt vời”

Ngay sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vắcxin, nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức, Italia, Cộng hòa Síp, Latvia, Litva, Indonesia... đã nối lại việc sử dụng vắcxin Covid-19 của AstraZeneca. Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau khi tiêm mũi vắcxin Covid-19 đầu tiên đã kêu gọi người dân làm điều tương tự: “Việc tiêm chủng rất tốt và nhanh chóng. Mọi người nên tiêm phòng sớm vì đó là điều tốt nhất cho bạn, gia đình và người xung quanh. Hãy lắng nghe những gì cơ quan y tế châu Âu nói, rằng lợi ích của vắcxin lớn hơn nhiều so với rủi ro. Tiêm chủng là một điều tuyệt vời mà bạn nên làm”.

Theo các chuyên gia, việc tiêm trở lại vắcxin của AstraZeneca có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm và nhập viện tăng đáng kể ở nhiều quốc gia. Tiến sĩ Giovanni Rezze, người đứng đầu bộ phận phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế Italia cho rằng, các nước cần phải tăng tốc trở lại chiến dịch tiêm phòng để bù đắp khoảng thời gian đã mất. Đơn cử như tại Italia, nước này sẽ phải tăng gấp đôi lượt tiêm chủng mỗi ngày so với con số đạt được trước khi tạm dừng thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào tháng 9 năm nay.

Hiện Israel đang dẫn đầu “cuộc đua” tiêm chủng vắcxin Covid -19, với 3/5 dân số đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi, và có tới 50% dân số Israel đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Kế tiếp đó là Anh, UAE, Chile, Mỹ, Bahrain... Theo số liệu được hãng tin AFP tổng hợp, tiến trình tiêm chủng tại các nước giàu nhanh hơn, trong khi các nước nghèo hơn cũng đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắcxin được phân phối theo COVAX - chương trình phân phối vắcxin của WHO dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Mặc dù, kế hoạch tiêm chủng vắcxin Covid-19 đang được triển khai khá suôn sẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo chính quyền và người dân các nước không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội, bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến chủng mới từ Anh, Brazil, Nam Phi... có khả năng lây lan nhanh, dễ dẫn đến bùng phát các làn sóng Covid -19 mới. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc