Dọn cành cây sau bão, “chặt nhầm” cây trong cảnh quan  Khu di sản Mỹ Sơn

VHO- Một số hộ dân ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) vừa phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã chặt hạ một số cây trong khu vực rừng phòng hộ cảnh quan thuộc Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và bán số gỗ trên cho một đơn vị tư nhân.

Dọn cành cây sau bão, “chặt nhầm” cây trong cảnh quan  Khu di sản Mỹ Sơn - Anh 1

Nhiều cây lâu năm bị ngã đổ do mưa bão

Sự việc xảy ra vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, và cây rừng bị chặt hạ chủ yếu là keo, tràm.

Theo phản ánh, trước đây người dân trồng số lượng lớn xà cừ, keo ở khu vực gần đường dẫn vào khu di sản Mỹ Sơn. Được biết, đây là khu vực rừng trồng thuộc một dự án nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình nông dân nghèo trồng rừng trên đất trống đồi trọc, giải quyết nhu cầu chất đốt, gỗ gia dụng và nâng cao năng lực phòng hộ của rừng, chống xói mòn, bảo vệ đất và cải thiện môi trường sinh thái. Sau đó, khu vực rừng này đã được chính quyền chuyển đổi thành rừng phòng hộ cảnh quan của Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Toàn bộ diện tích trồng cây này của bà con được quy hoạch trở thành rừng phòng hộ do nhà nước quản lý, người dân không được phép khai thác đối với cây do mình trồng.

Tuy nhiên, sau cơn bão số 9 năm 2020, người dân phát hiện một số cây trong khu vực nói trên đã bị Ban Quản lý Khu di sản Văn hóa Mỹ Sơn đốn hạ đem bán. Sự việc khiến người dân bức xúc. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, Ban Giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (gọi tắt BQL) thừa nhận có xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên. Cụ thể, sau cơn bão số 9 (10.2020), nhiều cây cối ở hai bên đường dẫn vào khu di sản Mỹ Sơn bị ngã đổ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới 20 năm. Do đó Ban quản lý đã có chủ trương giao cho Công đoàn đơn vị tiến hành tổ chức dọn dẹp cây ngã đổ tạo cảnh quan sạch sẽ tại khu di sản. Số cây thu dọn sẽ được bán đi để trả tiền công thu dọn và trồng lại cây bản địa.

Dọn cành cây sau bão, “chặt nhầm” cây trong cảnh quan  Khu di sản Mỹ Sơn - Anh 2

Trong quá trình dọn dẹp cây ngã đổ, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã sai sót, chặt hạ cây thuộc khu vực rừng trồng của người dân trước đây

Trong kế hoạch của BQL, yêu cầu việc cắt tỉa không làm ảnh hưởng, hư hại đến các công trình cơ sở hạ tầng và cây trồng tại rừng. Không được mở đường tự tạo hay sử dụng bất kỳ xe cơ giới nào trong phạm vi cắt tỉa cây, dọn dẹp sạch sẽ cành, lá cây keo đảm bảo cảnh quan môi trường… Tổ chức lực lượng tham gia đảm bảo tốt về chuyên môn trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, thanh lý đúng theo yêu cầu, đảm bảo các yếu tố về cảnh quan môi trường, an toàn cho du khách và công trình di tích. Tuy nhiên, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn thừa nhận, trong quá trình thực hiện, do giám sát, quản lý chưa chặt chẽ nên đã xảy ra sai sót, trong quá trình dọn dẹp cây ngã đổ, nhóm công nhân đã chặt nhầm cả cây thuộc khu vực rừng của người dân trồng trước đây, nay chuyển đổi qua rừng phòng hộ cảnh quan của Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, dẫn đến sự việc người dân có ý kiến phản đối.

Về phương án xử lý, khắc phục những sai sót trong việc chặt hạ cây rừng nói trên, BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết, sau khi vấp phải sự phản ứng của người dân, đơn vị đã làm báo cáo gửi UBND huyện. Ngày 17.3, UBND huyện Duy Xuyên cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện kế hoạch số 5889 của UBND tỉnh Quảng Nam, trong đó yêu cầu BQL phối hợp với các phòng, ban của huyện, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và UBND các xã Duy Phú, Duy Hòa xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch khu cảnh quan khu di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn theo dự án đã được phê duyệt.

UBND huyện Duy Xuyên đã có văn bản đề nghị các ngành, trong đó có BQL xây dựng phương án, lo kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân có diện tích rừng chuyển đổi sang rừng phòng hộ. Khi phương án đền bù được thông qua, đơn vị cũng sẽ tính toán, lo kinh phí đền bù hỗ trợ cho các hộ dân có cây trồng trong khu vực được chuyển đổi qua rừng phòng hộ bị chặt hạ nhầm vừa qua. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc