Đáng lo ngại khi người lao động nhận BHXH một lần tăng nhanh

VHO- Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2021, số người hưởng BHXH một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc tương lai gần những người lao động (NLĐ) này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu.

Đáng lo ngại khi người lao động nhận BHXH một lần tăng nhanh - Anh 1

 Khi tham gia BHXH, người cao tuổi được lĩnh lương hưu hằng tháng và cấp thẻ BHYT miễn phí

Và như thế sẽ khó đảm bảo cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe.

Nhận BHXH một lần là tự mình rời…

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua các năm, tăng trung bình khoảng 9%/ năm. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tăng nhanh, cụ thể: cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Theo quy định, NLĐ đã nghỉ việc đủ 12 tháng được làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần. Có NLĐ thanh toán BHXH một lần nhằm có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại; nhưng bên cạnh đó còn có một bộ phận nhỏ NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước: độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi; và bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH một lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng, NLĐ nhận BHXH một lần, nghĩa là tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của Đảng và Nhà nước. “Việc nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt nhưng lại đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân và không lường hết được những nguy cơ khi về già”, ông Thọ nói.

Đánh mất nhiều quyền lợi khi về già

Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH phân tích, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương, nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 - 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 0,64 - 1,14 tháng lương. Ngoài ra, NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già.

Các hệ lụy có thể kể đến là không được cấp thẻ BHYT miễn phí khi tuổi già dễ gặp bất trắc về sức khỏe. Thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời (được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương của người hưởng lương hưu và hưởng chế độ trợ cấp tử tuất). Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ 10% -30%). Chia sẻ lo lắng trước tình trạng gia tăng số NLĐ nhận BHXH một lần trong 3 tháng đầu năm 2021, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết: “Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nuối khi NLĐ lựa chọn phương án nhận BHXH một lần. Bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”.

Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh, NLĐ không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe theo BHYT khi về già. Do đó, công đoàn các cấp cần phối hợp với BHXH các địa phương chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới NLĐ về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia BHXH tới NLĐ. Khuyến nghị NLĐ cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động. 

 NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc