Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Kể chuyện Gốm nơi phố cổ

Thứ Tư 28/04/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa nghề truyền thống năm 2021 do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức, một số làng nghề gốm tiêu biểu đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật độc đáo cũng như trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn và giới thiệu về gốm Việt.

 

Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy trình diễn vuốt gốm tại đình Kim Ngân

Những năm gần đây, gốm Việt phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhiều thương hiệu nổi tiếng ra đời. Tuy nhiên, để có sự phát triển mạnh mẽ như ngày nay, gốm Việt đã trải qua hàng nghìn năm xây dựng, giữ gìn, bảo tồn và phát triển; các sản phẩm gốm có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của nhân dân, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Trong suốt quá trình phát triển, gốm Việt cũng có nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng những nét tinh hoa vẫn được bảo tồn, gìn giữ đan xen với tiếp biến và đổi mới. Nghề gốm trải dài trên khắp cả nước, mỗi vùng lại có một đặc trưng riêng, đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của gốm Việt.

Tại chuỗi hoạt động văn hóa nghề truyền thống lần này, các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng và xưởng gốm Chi đã mang những tác phẩm độc đáo của mình đến với du khách. Theo nghệ nhân Phạm Ngọc Huy (Bát Tràng), làng nghề này được hình thành từ thời nhà Lý, nằm trên một gò đất sét cao, lại ở gần sông nên rất thuận tiện cho việc làm gốm. Trải qua hơn 500 năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm nhưng cái tên Bát Tràng vẫn tồn tại và phát triển cho đến bây giờ. Gốm Bát Tràng với nguyên liệu là đất sét trắng, được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ dấu ấn sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ và có một màu men đặc trưng được kết hợp từ các chất có sẵn trong thiên nhiên, không dùng hóa chất. Với những nét riêng đó, du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước tìm đến với các sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng nhiều hơn.

 Du khách nước ngoài tham quan các sản phẩm gốm

Nói về lý do say mê với gốm, nghệ nhân trẻ Nguyễn Minh Trung (Phù Lãng) cho biết, được sinh ra trong cái nôi của nghề gốm, ngay từ khi biết cảm nhận cuộc sống Trung đã tận mắt chứng kiến những người thân trong gia đình làm ra các sản phẩm gốm, nên anh mang trong một tình yêu với gốm từ lúc nào cũng không biết nữa. Với Trung, gốm không chỉ là những vật dụng phục vụ sinh hoạt hay trang trí mà nó còn là một nét đẹp văn hóa Việt. Chính từ những suy nghĩ như vậy nên Trung xác định và mong muốn nối tiếp truyền thống gia đình giữ gìn và phát triển nét văn hóa đó. Khác với những sản phẩm gốm Bát Tràng có cốt từ đất sét trắng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ đất sét đỏ hồng lấy từ vùng Cung Khiêm, Bắc Giang. Điều đặc biệt làm nên gốm Phù Lãng chính là việc lấy tro than gỗ kết hợp cùng với vôi sống, sỏi ống nghiền nát và phù sa trắng để tạo chất lên men. Ngoài việc tạo nước men tráng riêng, gốm Phù Lãng còn mang nét độc đáo, khác biệt bởi kỹ thuật nung bằng củi, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo những vết táp trên bề mặt mà không phương pháp nung nào có thể làm được. Các sản phẩm gốm Phù Lãng có màu da lươn vàng óng hoặc màu cánh gián và hoa văn đắp nổi thường là các đề tài truyền thống như tứ linh, phong cảnh, hoa lá…

Mặc dù còn non trẻ so với hai làng gốm kể trên nhưng các sản phẩm gốm Chi cũng nhận được sự quan tâm và thích thú của công chúng. Xuất phát từ một xưởng gốm gia đình với các sản phẩm như ấm chén, lọ hoa nhưng với sự đam mê và học hỏi không ngừng, nghệ nhân Nguyễn Văn Chi đã nhận được hưởng ứng của khách hàng cũng như sự ghi nhận của các nghệ sĩ và giới yêu gốm Hà thành. Thành công lớn nhất của xưởng gốm Chi là tham gia phục chế di tích Cột Cờ trong mảng “gạch Bát” hay như tham gia trùng tu di tích Hoàng thành Huế dưới hình thức phục chế ngói Thanh Lưu Ly, Hoàng Lưu Ly và một số loại gạch men, gạch mộc hiện vẫn đang được sử dụng. Từ những năm 2000 trở đi, gốm Chi được biết đến rộng rãi tại Hà Nội qua các sản phẩm gốm đặc sắc, phong phú về chủng loại, tạo dấu ấn tại nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Theo Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm tiêu biểu của các làng nghề, BTC mong muốn giới thiệu, tôn vinh nghề gốm truyền thống của cha ông với đa dạng các sản phẩm từ truyền thống tới hiện đại. Qua đó thể hiện dòng chảy sáng tạo trên các sản phẩm từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân. 

THANH BẢO

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top