Đánh giá học sinh không được so sánh giữa các em với nhau

VHO- Đánh giá học sinh THCS, học sinh THPT vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; bảo đảm không so sánh giữa các học sinh với nhau, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Đánh giá học sinh không được so sánh giữa các em với nhau - Anh 1

(nh minh ha)

 Đây là yêu cầu được nêu ra tại dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, học sinh THPT. Dự thảo nêu rõ, mục đích đánh giá nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được kết quả học tập, rèn luyện của học sinh so với mục tiêu giáo dục và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục. Nguyên tắc đánh giá là bảo đảm công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ.

Theo dự thảo, các môn học Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét. Các môn học còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng nhận xét được thực hiện trong quá trình dạy học các môn học, bao gồm: Nhận xét của giáo viên đối với học sinh hoặc nhóm học sinh; học sinh tự nhận xét và nhận xét lẫn nhau; nhận xét của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ ưu điểm nổi bật, những điểm còn tồn tại, sự tiến bộ rõ nét của học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học.

Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá theo 2 mức: Mức Đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học; mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại. Đánh giá bằng điểm số được thực hiện qua đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm kiểm tra, đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Về đánh giá kết quả học tập của học sinh trong học kỳ và cả năm học, dự thảo quy định, kết quả học tập của học sinh được đánh giá thành 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

L.PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc