Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

TP.HCM dồn lực khẩn cấp cắt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng

Thứ Hai 28/06/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc Covid-19 đã vượt qua con số hơn 3.300, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, chính quyền TP.HCM đang thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp nhằm dập tắt các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

 Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người dân sinh sống tại huyện Bình Chánh

Thống kê nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM cho biết, thành phố đã trải qua nhiều ngày liên tiếp có số ca nhiễm trên 100 ca, đặc biệt có thời điểm chỉ trong vòng 24h, ghi nhận tới 667 ca nhiễm, đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay. Đáng lo ngại hiện nay có nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây.

Trước tình hình này, UBND TP.HCM chỉ đạo ngành chức năng huy động lực lượng, đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động trên toàn địa bàn thành phố nhằm phát hiện kịp thời trường hợp nhiễm Covid-19 để chủ động phòng, chống dịch. Đồng thời đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, có biện pháp kiểm soát, không để dịch lan rộng. Cụ thể từ nay đến hết ngày 30.6, thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân sinh sống tại các quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Bình Chánh với số lượng 5 triệu mẫu. Đây là những địa bàn có nhiều ca mắc Covid-19. Từ ngày 1-5.7, thực hiện lấy mẫu tại TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai các giải pháp trong thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 theo Chỉ thị 10 trên địa bàn (từ 0h ngày 20.6) và đề ra các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong những ngày giãn cách còn lại. Nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng theo các khu phố hoặc phường… để kiểm soát dịch. Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây.

Sau khi phát hiện 19 ca bệnh Covid-19 tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và một số ca bệnh liên quan đến các chợ truyền thống khác, UBND huyện Hóc Môn đã ra văn bản khẩn yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối này từ 0h hôm nay 28.6, để thực hiện các phương án phòng, chống dịch. Sở Công thương TP.HCM cũng có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND TP.HCM và các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, quyết định tạm dừng hoạt động chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Liên quan đến chuỗi lây nhiễm nói trên, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 6 trường hợp nghi mắc Covid-19 từng đến chợ đầu mối Hóc Môn.

Tại TP.HCM đã xuất hiện những chuỗi lây nhiễm trong các khu công nghiệp, chợ đầu mối. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM nhận định, đây là những nơi có khả năng lây lan nhanh. So với thời điểm khởi phát dịch, các chuỗi dịch bệnh hiện phát sinh bất chợt khó lường, khi phát hiện thì đã tạo ra ổ dịch lớn. Lo ngại hơn khi có tới 80% các ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế, vừa giảm tải cho các bệnh viện (BV) dã chiến đã chuyển đổi công năng để tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong, thành phố đã khẩn cấp triển khai kế hoạch bổ sung thêm hai BV dã chiến vào ngày 26.6 với quy mô 5.000 giường để thu dung điều trị toàn bộ các trường hợp mắc mới, và các trường hợp đang cách ly theo dõi tập trung (F1, F2) chuyển sang F0. Nâng tổng số giường điều trị Covid-19 trên địa bàn lên 10.000 giường.

Trước đó, Sở Y tế đã chủ động chuyển đổi công năng của một số BV quận, huyện và BV đa khoa, chuyên khoa của thành phố trở thành các BV chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 với quy mô tổng cộng 5.000 giường và đã phát huy hiệu quả. Theo đó, khu Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM được chuyển đổi trở thành “BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1” với quy mô 1.000 giường; Ký túc xá Khu A của Đại học Quốc gia TP.HCM chuyển làm “BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2” với quy mô 4.000 giường. Các cơ sở điều trị Covid-19 thực hiện theo mô hình “tháp 3 tầng”. Trong đó, tầng 1 là các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng với quy mô 5.000 giường, có thể tăng lên 10.000 giường nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tầng 2 là các BV được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có triệu chứng với quy mô 4.000 giường, và tầng 3 là các BV chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 1.000 giường. Sở Y tế TP.HCM nhận định, đây là giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay của thành phố. 

 HOÀNG QUÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top