Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Bảo đảm an ninh, an toàn cho các tài sản văn hóa: Nhận diện để hoàn trả nguyên gốc di sản

Thứ Tư 30/06/2021 | 09:46 GMT+7

VHO- Gần 20 năm tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các quy định của Công ước, ngăn chặn xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép các di sản văn hóa.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị trực tuyến

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa do Văn phòng UNESCO Bangkok (Văn phòng cấp khu vực của UNESCO) phối hợp với Ban Thư ký Công ước UNESCO 1970 tổ chức.

Khuôn khổ pháp lý quan trọng

Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, lãnh đạo cấp Bộ, đại diện Chính phủ các quốc gia thành viên Công ước từ nhiều lĩnh vực khác nhau (văn hóa, ngoại giao, thương mại, du lịch, thực thi pháp luật...), các tổ chức khu vực và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện khu vực tư nhân và các bên liên quan tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 29 và 30.6 theo hình thức trực tuyến. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Shigeru Aoyagi, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Bangkok cho rằng, trong quá khứ, vấn đề buôn bán trái phép di sản văn hóa đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia, vì vậy, Công ước thúc đẩy chúng ta hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề đó, đảm bảo an ninh, an toàn cho các tài sản văn hóa. Hội nghị lần này là dịp để đánh giá những thành tựu đã đạt được, thảo luận về những thách thức, giải pháp cũng như những ưu tiên trong khu vực về việc thực hiện Công ước. “Quá trình đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ liên ngành, nâng cao các quy định pháp luật cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực này”, ông Shigeru Aoyagi nói.

Đánh giá cao sáng kiến của UNESCO tổ chức theo hình thức trực tuyến Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhận định: Công ước UNESCO 1970, kể từ khi được thông qua đến nay, đã trở thành khuôn khổ pháp lý, công cụ quan trọng hỗ trợ các Quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế trong quá trình phòng, chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, đóng góp hiệu quả cho quá trình nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu.

Nâng cao nhận thức, năng lực bảo vệ di sản văn hóa

Kể từ khi tham gia Công ước quan trọng này vào năm 2005, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia thành viên, triển khai tích cực, hiệu quả các quy định của Công ước, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế thông qua việc chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong công tác bảo vệ, phòng chống việc buôn bán trái phép các di sản văn hóa. Trong đó có một số hoạt động nổi bật như: Đăng cai tổ chức thành công “Hội thảo quốc tế tập huấn nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: Ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả” (năm 2015), tiếp nhận 18 cổ vật Việt Nam lưu lạc tại CHLB Đức để bảo quản, trưng bày, nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (năm 2018), kiến nghị các nước ASEAN ủng hộ sáng kiến của Việt Nam đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 2019)...

Ở phạm vi quốc gia, Việt Nam đã chủ động xây dựng mạng lưới cơ quan quản lý các cấp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, từng bước phù hợp và tương thích với luật pháp và điều ước quốc tế. Trong gần 2 thập kỷ, Bộ VHTTDL và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành 2 Luật, 8 Nghị định và 16 Thông tư quy định các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc ngăn chặn xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép di sản văn hóa. Thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động hiệu quả thực hiện Công ước nói chung, ngăn chặn xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép các di sản văn hóa nói riêng, trong đó có một số hoạt động nổi bật như: Phối hợp với Bộ Công an (Interpol Việt Nam) thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến dịch Athena II tại Việt Nam - Chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán cổ vật (năm 2020).

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Công ước UNESCO 1970 trong thời gian sắp tới, thay mặt Bộ VHTTDL Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nêu kiến nghị: Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, dẫn dắt, định hướng của UNESCO đối với công tác phòng chống xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu các di sản văn hóa; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế về thực hiện Công ước UNESCO 1970, chú trọng việc trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong công tác kiểm kê, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác bảo vệ, phòng chống việc buôn bán trái phép các di sản văn hóa; đề nghị các quốc gia thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Công ước UNESCO 1970, hoàn thiện cơ chế, pháp luật, chính sách về bảo vệ, phòng chống việc buôn bán trái phép các di sản văn hóa…

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tin tưởng sâu sắc rằng, với sự hỗ trợ tích cực của UNESCO và tham gia hiệu quả của các quốc gia thành viên Công ước UNESCO 1970, các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nạn trộm cắp và buôn bán trái phép di sản văn hóa trên phạm vi khu vực và toàn cầu sẽ được kiểm soát, đồng thời tiến tới từng bước nhận diện các di sản văn hóa đã bị buôn bán trái phép và hoàn trả lại địa điểm nguyên gốc của di sản.

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả, trách nhiệm Công ước UNESCO 1970 trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy sự đa dạng văn hóa, sự tôn trọng, hiểu biết giữa các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới, khẳng định vai trò, đóng góp ngày càng lớn của văn hóa đối với sức mạnh nội sinh, sự phát triển bền vững của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. 

 Công ước UNESCO 1970, kể từ khi được thông qua đến nay, đã trở thành khuôn khổ pháp lý, công cụ quan trọng hỗ trợ các Quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế trong quá trình phòng, chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, đóng góp hiệu quả cho quá trình nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

 THANH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top