Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Phải thay đổi cả về nhận thức và hành động

Thứ Tư 07/07/2021 | 11:12 GMT+7

VHO- Đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.

 Kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19 không chỉ là giảm giá mà phải tăng giá trị dịch vụ, tăng trải nghiệm cho khách Ảnh: HOÀNG HÀ

Rõ ràng Du lịch đã được gửi gắm những kỳ vọng và trọng trách đối với nền kinh tế, khát vọng phát triển đất nước.

Cơ cấu lại ngành bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại

Trong những năm qua, Du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, lượng khách quốc tế, nội địa tăng nhanh, đóng góp 9,2% GDP (năm 2019). Có thể khẳng định, du lịch đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Đánh giá tầm quan trọng và sự đóng góp lớn của ngành kinh tế du lịch, Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 cũng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.

Thực hiện chỉ đạo đó, Bộ VHTTDL đã nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 trong lĩnh vực du lịch và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030. Nội dung của Chương trình bao gồm 7 nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện với rất nhiều nhiệm vụ cụ thể và 21 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp triển khai. Các nhiệm vụ nêu trên đã bao quát toàn bộ hoạt động của ngành trong 5 năm 2021 - 2025. Triển khai thành công Chương trình hành động này không chỉ khôi phục lại hoạt động của ngành sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà còn đưa ngành Du lịch lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VHTTDL chủ trì mà dự thảo đề cập, Chương trình đã đề xuất nhiều nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển của du lịch thế giới, đồng thời gắn với bối cảnh khủng hoảng của ngành Du lịch do đại dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt là các nội dung quan trọng như: Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển; ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo và sản phẩm đặc thù của các địa phương; phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh thị trường nội địa; tăng cường quảng bá, xúc tiến… Để làm rõ hơn nhiệm vụ phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và triển khai chương trình kích cầu du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”, tôi cho rằng cần làm rõ và đánh giá chính xác những xu hướng mới để có thay đổi, định hướng phát triển cho phù hợp.

Xu thế mới là du lịch an toàn

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực vô cùng to lớn đến ngành Du lịch nhưng nó cũng chỉ cho chúng ta thấy hàng loạt các hoạt động của ngành Du lịch đòi hỏi phải thay đổi cả về nhận thức và hành động.

Trong lúc này, cần đánh giá đúng tầm quan trọng, vai trò nền tảng của du lịch nội địa. Trước đây, du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Đến năm 2009, khi du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng tài chính toàn cầu, phát triển du lịch nội địa chính thức được đưa ra như một giải pháp quan trọng để khôi phục du lịch. Một loạt giải pháp hỗ trợ du lịch được Chính phủ phê duyệt: miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế đi theo đoàn, giảm thuế VAT, miễn phí tham quan... Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, chỉ trong 6 tháng du lịch ngày đó đã khởi sắc. Đặc biệt, du lịch nội địa bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 -2019, khi du lịch quốc tế tăng trưởng rất nhanh, sự quan tâm đến du lịch nội địa lại giảm xuống. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, không có khách quốc tế, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng thực sự của du lịch nội địa. Phát triển du lịch nội địa cân bằng với du lịch quốc tế có thể giúp ngành Du lịch không lệ thuộc vào thị trường lớn nào. Và như thế, mỗi lần thị trường biến động, thiên tai, địch họa xảy ra, chúng ta không phải khổ sở chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia che chắn. Thế nhưng, muốn phát triển du lịch nội địa lúc này và trong tương lai, phải giải quyết hàng loạt các vấn đề. Trước hết, về sản phẩm, do ít đầu tư xây dựng sản phẩm phục vụ riêng cho du lịch nội địa nên tình trạng các điểm du lịch không đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế thì quay sang phục vụ khách nội địa là phổ biến. Vì thế, để phát triển du lịch nội địa cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam (mua sắm, ẩm thực, tâm linh, đặc biệt là các sản phẩm vùng miền).

 Cần phát triển cân bằng thị trường nội địa và quốc tế Ảnh: BÌNH THUẬN

Nhân lực phục vụ du lịch nội địa từ trước đến nay không đầu tư đào tạo để chuyên phục vụ khách nội địa nên quan điểm phổ biến là ai cũng có thể tham gia phục vụ du lịch nội địa. Do vậy chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch nội địa không đảm bảo. Để thực sự phát triển du lịch nội địa cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bao gồm đào tạo cả ý thức, thái độ ứng xử, phương pháp giới thiệu, hướng dẫn,... cho những người chuyên phục vụ khách nội địa.

Bên cạnh đó, tính chất mùa vụ ở nhiều trung tâm du lịch lớn của Việt Nam là rất nặng nề. Đòi hỏi ngành Du lịch cần tập trung giải quyết tình trạng nhiều điểm du lịch lúc thì quá tải, lúc thì quá vắng khách. Để giải quyết vấn đề này, mỗi địa phương phải huy động sự tham gia của các chuyên gia du lịch nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tổ chức thử nghiệm, đồng thời vận động sự tham gia của cả hệ thống du lịch cả nước.

 Công tác xúc tiến quảng bá du lịch nội địa cũng còn bị xem nhẹ. Vì thế, cần tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch nội địa bài bản hơn, sử dụng các công cụ hiện đại quảng bá cho thị trường 100 triệu dân này. Phải lấy việc phục vụ cho đồng bào mình, những người dân nước Việt Nam là niềm tự hào, coi thị trường này không thua kém thị trường quốc tế nào. Từng bước tạo ra nhu cầu, thói quen mới của người Việt là mỗi năm, mỗi khi có cơ hội thu xếp thời gian du lịch là lên đường khám phá đất nước mình.

Đối với thị trường quốc tế, từ trước đến nay, phát triển thị trường quốc tế gần luôn là hướng ưu tiên của du lịch Việt Nam. Ưu điểm của thị trường gần là dễ tìm hiểu truyền thống văn hóa, sở thích, nhu cầu của khách, khoảng cách gần... Tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng marketing số, du lịch trực tuyến và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở du lịch và nhiều ngành kinh tế khác, những ưu thế nói trên của thị trường gần không còn nhiều giá trị nữa. Vì vậy, để chuẩn bị đón cao trào tăng trưởng sau khi khắc phục được đại dịch Covid-19 cần tập trung nghiên cứu chọn lựa và phát triển các thị trường nhiều khách và có chi trả cao.

Cuộc cạnh tranh du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” chắc chắn sẽ gắn với yếu tố công nghệ, do vậy cần đầu tư nguồn lực ngay từ bây giờ (khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc) để thiết lập các mối quan hệ, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp và triển khai xúc tiến tại các thị trường này. Mặt khác, phương thức đón và phục vụ khách trong bối cảnh “bình thường mới” sẽ là sử dụng hộ chiếu vắcxin. Điều đó là đương nhiên, là cần thiết và phải chuẩn bị ngay bây giờ. Ngành Du lịch cần xác định xu thế mới là du lịch an toàn. Vì vậy ngay khi đã khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 thì những quy định của hộ chiếu vắcxin (như đã tiêm vắcxin gì, tiêm bao giờ, tình trạng sức khỏe, các điểm đã đi gần nhất…) vẫn có thể trở thành những tiêu chí mới của du lịch trong tương lai.

Để thực hiện mục tiêu này, yếu tố quan trọng hàng đầu để khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế là phải nâng cao tỉ lệ tiêm vắcxin cho lao động trong ngành Du lịch. Phải coi những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch là những “chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế”, vì vậy phải trang bị ngay cho họ vũ khí vắcxin để họ có đủ điều kiện hoạt động. Khách du lịch quốc tế khi đến với Việt Nam và cả khách nội địa là người Việt Nam sẽ yên tâm khi được những người đã tiêm vắcxin phục vụ.

Xúc tiến quảng bá trong bối cảnh “bình thường mới”

Chuyển đổi số sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Vì thế, dù phát triển 5 năm hay 10 năm nữa chúng ta đều phải ngay từ bây giờ bắt kịp với xu thế này. Ưu tiên ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến quảng bá (marketing số, sử dụng các mạng xã hội, xây dựng các sàn giao dịch du lịch...). Trong đó có sự phân công và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương, ở địa phương, các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp trong triển khai chuyển đổi số. Trước mắt là chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá, cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Kết hợp hài hòa giữa xúc tiến trực tuyến và xúc tiến trực tiếp, vì yếu tố giao lưu, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để tạo niềm tin và trải nghiệm trực tiếp luôn là yếu tố quan trọng của ngành Du lịch. Do vậy, bên cạnh việc phát triển ứng dụng công nghệ số vào công tác xúc tiến, quảng bá vẫn cần triển khai một số hoạt động truyền thống như: hội chợ, roadshow, khảo sát… Tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch xứng tầm với tầm vóc của Du lịch Việt Nam như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM và các lễ hội du lịch, văn hóa lớn ở các địa phương (festival hoa Đà Lạt, festival Huế, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, carnaval Quảng Ninh...)

Hoạt động kích cầu du lịch cũng không phải chỉ là giảm giá dịch vụ mà phải kết hợp giữa giảm giá với nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc bổ sung dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mới, hấp dẫn; phát triển các loại hình dịch vụ trọn gói cùng với các quà tặng đa dạng cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là phải kết hợp hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm du lịch. Đây là điểm yếu của Du lịch Việt Nam và cần thông qua Chương trình này để triển khai, từ đó tăng nhanh lượng khách, khôi phục du lịch một cách bền vững. Trong đó cần có tổ chức phù hợp để phối hợp các doanh nghiệp, các địa phương, tập hợp các dịch vụ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn nhất. 

 Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực vô cùng to lớn đến ngành Du lịch nhưng nó cũng chỉ cho chúng ta thấy hàng loạt các hoạt động của ngành Du lịch đòi hỏi phải thay đổi cả về nhận thức và hành động.

 VŨ THẾ BÌNH (Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top