Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch nông thôn: Phải đảm bảo nguyên tắc chia sẻ lợi ích

Thứ Sáu 16/07/2021 | 11:48 GMT+7

VHO- Muốn phát huy các tiềm năng, thế mạnh của du lịch và nông thôn Việt Nam để phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Phát triển du lịch nông thôn cũng sẽ là giải pháp căn cơ để xây dựng nông thôn mới bền vững.

 Du lịch nông trại ở Đà Lạt phát triển mạnh mẽ Ảnh: HẢI QUỲNH

 Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo trực tuyến về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức, với 1 điểm cầu trung tâm và 10 điểm cầu tại các địa phương. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Đảm bảo nguyên tắc tôn trọng văn hóa địa phương

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án sẽ triển khai các giải pháp phát triển du lịch nông thôn (gồm 3 loại hình: Du lịch nông nghiệp; sinh thái và cộng đồng), trong đó trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ là cơ sở để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới”.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, phát triển du lịch nông thôn hiện nay chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho du lịch nông thôn, kể cả ở cấp Trung ương. Từ trước tới nay, chưa có sự gắn kết du lịch nông thôn với xây dựng nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều địa phương chưa đưa ra được cơ chế quản lý du lịch nông thôn phù hợp, tạo được sự thuyết phục và đồng thuận của người dân. Mâu thuẫn lợi ích giữa các bên liên quan tham gia phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để, định hướng vận hành và khai thác phát triển du lịch cộng đồng dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước không theo kịp diễn biến thực tế. Để phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, các định hướng, giải pháp phát triển du lịch nông thôn phải đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Ông Tiến cho rằng, sản phẩm du lịch nông thôn cần được xây dựng đảm bảo 3 yếu tố đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới, sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa. Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP.

Bám sát thực tế để có những chính sách phù hợp

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng: “Phát triển du lịch nông thôn hiện nay còn thiếu cơ sở thực tế. Vì thế, cần có những nghiên cứu bài bản, trên cơ sở thực tế để xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển nông thôn mới, xây dựng quy hoạch, đề xuất những chính sách phát triển phù hợp. Trong đó, cần đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực tế ở từng vùng miền, làm rõ những khác biệt ở vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long…. để có mô hình phù hợp chứ không thể phát triển chung chung. Đồng thời phải xây dựng những tiêu chí phát triển du lịch nông thôn cụ thể, tránh trùng lắp giữa các địa phương, vùng miền”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề xuất, việc định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2021- 2025 nên tập trung vào việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại nông thôn. Phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cho cộng đồng cho phát triển du lịch nông thôn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn. Trong đó, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác để đầu tư cho du lịch nông thôn. Tăng cường công tác quản lý điểm đến nông thôn và tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới.

Trong khung dự thảo Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn (cả nước và từng vùng), phát triển hệ thống du lịch nông thôn được công nhận. Phấn đấu ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao…

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top